Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 18/1, Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 87,63% với ĐBQH có mặt tán thành.
Trước khi thông qua dự thảo Luật, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo ông Thanh, Quốc hội xem xét dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến ĐBQH đã được tiếp thu, giải trình, không còn ĐBQH nào phát biểu thêm. Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều; đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Việc hoàn thiện các nội dung cụ thể và các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và thực hiện theo đúng quan điểm đã xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Về bảng giá đất (Điều 159), có ý kiến đề nghị quy định bảng giá đất 5 năm 1 lần như luật hiện hành và hằng năm biến động thì điều chỉnh hệ số K, ông Thanh cho biết, đây là nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, trình Quốc hội thảo luận nhiều lần trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được quy định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường; tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường. Thể chế hóa Nghị quyết số 18/NQ-TW và trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan, dự thảo Luật quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.
Dự thảo Luật cũng quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.
Để bảo đảm chất lượng bảng giá đất, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần nâng cao hơn nữa năng lực trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai để trực tiếp phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ chỉ đạo trong quá trình thực hiện Luật.
Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu về phương pháp thặng dư (điểm c khoản 5 Điều 158), Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Định giá đất là vấn đề khó, nội dung quy định tại dự thảo Luật đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu ý kiến ĐBQH, nghiêm túc nghiên cứu để thiết kế các phương pháp định giá vừa có tính kế thừa, vừa có tính cụ thể hóa thực tiễn, có đổi mới nhưng phải có tính bao quát để có thể áp dụng cho các trường hợp cụ thể, lâu dài. Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc, xác định rõ về nội hàm và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Các cơ quan đã cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc tiếp tục quy định tại dự thảo Luật về phương pháp thặng dư. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay nền kinh tế đang phát triển thì việc sử dụng phương pháp thặng dư trên cơ sở ước tính giá trị tương lai là cần thiết vì chưa có sẵn những thông tin dự án tương tự đã hình thành và giao dịch để áp dụng các phương pháp định giá khác. Mặt khác, về cả khoa học và thực tiễn, phương pháp thặng dư hiện vẫn đang được sử dụng trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), có ý kiến đề nghị bỏ khoản 32 Điều 79 dự thảo Luật, thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở trao đổi kỹ lưỡng và thống nhất giữa các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng, tiếp tục quy định rõ tại khoản 32 Điều 79 đây là trường hợp được Quốc hội xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn, tương tự quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Đầu tư năm 2020 về sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Về hiệu lực thi hành (Điều 252), tiếp thu ý kiến ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, dự thảo Luật quy định hiệu lực sớm đối với Điều 190 và Điều 248 dự thảo Luật từ ngày 1/4/2024. Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về “tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn” cũng đã quyết nghị về việc trong năm 2024 ban hành quy định về hoạt động lấn biển. Trên cơ sở các quy định có hiệu lực thi hành sớm, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, hoàn thiện các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tương ứng bảo đảm khả thi, rõ ràng, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật, tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; nhất là đối với hoạt động lấn biển không chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai mà còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật khác có liên quan, cần có quy định mang tính đồng bộ.