Quốc hội thông qua Hiệp định EVFTA: 'Đường cao tốc' đã mở
Với 100% đại biểu Quốc hội có mặt, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Cụ thể, 457 đại biểu Quốc hội có mặt tại Hội trường Diên Hồng, chiếm 94,62% tổng số đại biểu Quốc hội, đều bấm nút nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Hiệp định này được ví là “đường cao tốc” rất thuận lợi, nhanh chóng, hầu như không có rào cản để Việt Nam kết nối với châu Âu. Hiệp định cũng được đánh giá là có chuẩn mực cao nhất hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.
Trước khi bấm nút thông qua, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Trong đó, đáng chú ý các vị đại biểu Quốc hội đã khuyến nghị nhiều vấn đề lớn. Chẳng hạn như, Chính phủ sớm ban hành chiến lược, kế hoạch chi tiết để triển khai Hiệp định. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Các bộ, ngành liên quan phối hợp lãnh đạo các địa phương chọn lựa, xác định danh mục ngành hàng, các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam sớm tham gia vững chắc thị trường rộng lớn này. Trước mắt có biện pháp giữ, duy trì thị phần thị trường các nước Liên minh châu Âu trong điều kiện đại dịch Covid-19. Đồng thời tận dụng tốt thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.
Xây dựng chương trình tăng khả năng đối phó hiệu quả, hạn chế rủi ro thấp nhất với những diễn biến phát sinh phi truyền thống. Nghiên cứu luật pháp nước sở tại để hạn chế vi phạm trong hoạt động thương mại.
Cung cấp đầy đủ, kịp thời bộ tài liệu Hiệp định, các tài liệu hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền. Các tài liệu hướng dẫn Hiệp định cần thể hiện bằng ngôn ngữ phù hợp để dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ nhớ…
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bên cạnh việc tuân thủ và nội luật hóa các cam kết để bảo đảm lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về dịch vụ công để chủ động khai thác các lợi thế, thời cơ và ứng phó với các thách thức mà Hiệp định mang lại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để triển khai hiệu quả Hiệp định, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.