Quốc hội thông qua Luật Đầu tư, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Với tỷ lệ 92,34% đại biểu biểu quyết tán thành, chiều 17-6, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo đó, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh kể từ ngày 1-1-2021.
NDĐT - Với tỷ lệ 92,34% đại biểu biểu quyết tán thành, chiều 17-6, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo đó, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh kể từ ngày 1-1-2021.
Chiều 17-6, thực hiện chương trình kỳ họp, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) bằng hệ thống điện tử. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên làm việc.
Kết quả biểu quyết có 446/458 đại biểu tán thành (chiếm 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) gồm 7 chương, 77 điều và 4 phục lục, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Theo đó, các hoạt động bị cấm đầu tư kinh doanh và sản xuất, sử dụng gồm: Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật; Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã và mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I khai thác có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại các Phụ lục I, II, III của Luật này.
Đồng thời, Luật cũng nghiêm cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh như: Kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Kinh doanh mại dâm; Kinh doanh pháo nổ; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận trực tuyến, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo số 291/BC-CP ngày 12-6-2020 của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đáng chú ý, đối với việc cấm hay không cấm “dịch vụ kinh doanh đòi nợ” còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.
Bên cạnh đó, đối tượng được ưu đãi đầu tư quy định trong Luật (Điều 15 và Điều 16) được cập nhật phù hợp với quan điểm, định hướng, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn của Đảng và Nhà nước. Địa bàn ưu đãi đầu tư được xác định căn cứ vào vai trò, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của từng địa bàn, gồm địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có tác động lan tỏa (khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế).
Theo đó, đối tượng, ngành, nghề ưu đãi đầu tư tập trung vào doanh nghiệp công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số...