Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, chiều nay, 15.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 449/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,16% tổng số đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Thận trọng khi phân cấp cấp Giấy phép phân loại phim

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 14), có ý kiến đề nghị làm rõ hơn chủ đề dự án phim sử dụng ngân sách nhà nước; giao Chính phủ quy định chi tiết bộ tiêu chí áp dụng chung cho cả nước để đánh giá chất lượng sử dụng ngân sách nhà nước trong việc sản xuất phim. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đánh giá chất lượng, hiệu quả đối với cơ quan được giao đặt hàng và phổ biến phim.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chủ đề phim sử dụng ngân sách nhà nước được quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 5. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết chủ đề phim, việc thực hiện các hình thức sản xuất phim… để phù hợp đặc thù lĩnh vực điện ảnh, tình hình thực tiễn và bảo đảm sản xuất phim đạt chất lượng, hiệu quả. Việc đánh giá chất lượng, hiệu quả đối với cơ quan được giao đặt hàng và phổ biến phim thuộc nội dung quản lý nhà nước, do vậy không quy định tại Điều này.

Liên quan đến cấp Giấy phép phân loại phim (Điều 27), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, có ý kiến đề nghị không nên quy định Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim phổ biến trên địa bàn quản lý, chỉ nên thành lập cơ quan chung có thẩm quyền cấp phép phân loại phim toàn quốc nhằm thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Có ý kiến băn khoăn về đội ngũ chuyên gia thẩm định phim ở các địa phương.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xu hướng số lượng phim cần phân loại sẽ tăng cao trong thời gian tới, gây áp lực về thời gian cho các Hội đồng thẩm định, phân loại phim của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát sinh nhu cầu về phân cấp cấp Giấy phép phân loại phim. Tuy nhiên, việc phân cấp cấp Giấy phép phân loại phim cần được thực hiện thận trọng, căn cứ vào điều kiện, năng lực của các địa phương, để bảo đảm yêu cầu, chất lượng của công tác thẩm định, phân loại phim. Trên tinh thần đó và tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim khi đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quy định Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp có giá trị trong toàn quốc.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bấm nút biểu quyết. Ảnh: Quang Khánh

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bấm nút biểu quyết. Ảnh: Quang Khánh

Luật hóa Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Mục 2 Chương VI), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, tuy nhiên đề nghị làm rõ lý do đến nay Quỹ chưa được thành lập. Theo báo cáo của cơ quan trình dự án Luật, Quỹ chưa thành lập được là do các nguyên nhân: khó khăn về nguồn thu; cơ chế quản lý Quỹ chưa rõ là đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp hay tổ chức tài chính. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có 2 lần xem xét, cho ý kiến về thành lập Quỹ; đề nghị nghiên cứu để đưa vào trong dự thảo Luật lần này. Hồ sơ dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV đã gửi kèm dự thảo Nghị định đã khắc phục các tồn tại nêu trên, quy định rõ nguồn thu, tổ chức bộ máy của Quỹ.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc thành lập Quỹ; có ý kiến đề nghị không đưa Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vào dự thảo Luật để thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ quy định Quỹ tại dự thảo Luật với lý do Chính phủ nêu tại Báo cáo số 224/BC – CP ngày 10.6.2022 của Chính phủ gửi Quốc hội và giải trình trong Báo cáo số 216/BC-UBTVQH15 ngày 12.5.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đại biểu Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bấm nút biểu quyết. Ảnh: Quang Khánh

Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bấm nút biểu quyết. Ảnh: Quang Khánh

Đồng thời, cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ không quy định khoản “trích 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh nhằm đảm bảo tính khả thi và đảm bảo quy định về nguồn thu của Quỹ.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trình Quốc hội biểu quyết riêng về nội dung này khi thông qua dự thảo Luật. Theo đó, với 389/469 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 78,11% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nội dung quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/quoc-hoi-thong-qua-luat-dien-anh-sua-doi--i292013/