Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi)

Chiều 19.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi), với 459/476 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 92,91% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quy định giá trần với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ: Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để bảo đảm lợi ích của nhân dân; có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế; việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu, đặc biệt là khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành; khi chưa đánh giá được tác động và hệ quả của việc bỏ quy định về giá trần; để một mặt bảo đảm quyền chủ động của các hãng hàng không, song mặt khác vẫn bảo vệ quyền lợi của người dân thì Nhà nước vẫn cần giữ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa với tính chất là công cụ quản lý nhà nước về giá nhằm bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước trong ổn định thị trường, giữ được cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Trên cơ sở căn cứ bối cảnh thực tế, nghiên cứu thận trọng các luồng ý kiến khác nhau, dựa trên nguyên tắc quyết định theo đa số, tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa.

Chỉ quy định giá trần, không quy định giá sàn với sách giáo khoa

Có ý kiến đại biểu đề nghị, quy định khung giá đối với sách giáo khoa (quy định cả giá sàn), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, theo Luật Giá hiện hành, sách giáo khoa không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, từ Quốc hội khóa XIV đến nay, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước cần kiểm soát giá mặt hàng này nhằm bảo vệ lợi ích người dân, tránh tác động tăng giá từ các nhà xuất bản. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quy định giá trần và không quy định giá sàn đối với mặt hàng này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, “sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Hiện nay, trong phương pháp tính giá sách giáo khoa, các nhà xuất bản cộng cả chi phí phát hành sách, mức chiết khấu rất cao (năm học 2022 - 2023, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa) dẫn đến đẩy giá sách lên cao so với thu nhập của nhiều người dân. Vì vậy, cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực người dân”.

Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh biểu quyết tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh biểu quyết tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Việc không quy định giá sàn cũng là hợp lý vì thứ nhất, đây là mặt hàng có tính đặc thù, đối tượng tiêu dùng mang tính bắt buộc, trong đó có cả đối tượng yếu thế. Nếu quy định giá sàn, các đơn vị phát hành sách không thể bán cho người dân với giá thấp hơn giá sàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.

Thứ hai, hiện nay, Chính phủ không đề xuất quy định giá sàn cho nên chưa đánh giá tác động nếu quy định giá sàn đối với sách giáo khoa. Vì vậy, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì chưa đủ căn cứ để bổ sung quy định về giá sàn.

Thứ ba, sách giáo khoa là mặt hàng đa dạng về chủng loại, lại tiêu dùng trên phạm vi cả nước, việc tính toán mức giá sàn phù hợp với từng cho từng loại sách và phải phù hợp với mọi khu vực khác nhau là khó khả thi. Trên thực tế điều hành, tùy tình hình kinh tế - xã hội từng thời điểm, Chính phủ sẽ quyết định mức giá trần phù hợp.

Thứ tư, về ý kiến cho rằng sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh nếu không quy định giá sàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Cạnh tranh đã quy định rất rõ những hành vi cạnh tranh bị cấm. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, để ổn định thị trường đối với giá sách giáo khoa, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép chỉ quy định giá trần, không quy định giá sàn đối với mặt hàng sách giáo khoa tại dự thảo Luật.

Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Riêng quy định tại khoản 2 Điều 60 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026. Kể từ ngày 1.7.2024 đến hết ngày 31.12.2025, Hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất 1 thành viên có một trong các chứng nhận chuyên môn sau đây: Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá, thẩm định giá; Thẻ thẩm định viên về giá; Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá; Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/quoc-hoi-thong-qua-luat-gia-sua-doi--i333138/