Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Chiều ngày 22/11, với 431 đại biểu tán thành (tương đương 89,23% số phiếu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo kết quả biểu quyết, có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 92,7%), trong đó 431 đại biểu tán thành (chiếm 89,23%), 12 đại biểu không tán thành (2,84%) và 5 đại biểu không biểu quyết (1,04%).
Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội thông qua.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được thông qua sẽ đẩy mạnh phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ với các Bộ, ngành; giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực.
Luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa Chính phủ với các Bộ, ngành; giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương cấp tỉnh và giữa các cấp chính quyền địa phương.
Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.
Về việc giao Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm mô hình đổi mới tổ chức bộ máy (tại khoản 10 Điều 23), UBTVQH thấy rằng, tại khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định thẩm quyền của Chính phủ trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Vì vậy, việc thí điểm mô hình mới đối với các tổ chức này, dù không quy định trong Luật, Chính phủ vẫn có thể tiến hành thí điểm để sơ kết, tổng kết trước khi nhân rộng, thực hiện đại trà. UBTVQH đề nghị được tiếp thu theo nhiều ý kiến của ĐBQH là không quy định thẩm quyền này của Chính phủ tại dự thảo Luật trình QH xem xét thông qua, để tránh trùng lặp.
Liên quan số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập, UBTVQH đề nghị, quy định theo hướng bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị. Số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4 người (tại khoản 2 Điều 40 của Luật Tổ chức Chính phủ).
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, để khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu giữa số lượng người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với số lượng công chức thực thi, thừa hành, trong thời gian qua, Đảng đã có chủ trương giảm số lượng cấp phó và khoán số lượng cấp phó tối đa phù hợp với quy mô của tổ chức.
Theo đó, căn cứ vào đầu mối tổ chức trực thuộc và số biên chế được giao, cấp có thẩm quyền sẽ quyết định tổng số lượng cấp phó tối đa của một cơ quan, nhưng không vượt quá mức trần được giao, làm cơ sở để người đứng đầu quyết định số lượng cấp phó cụ thể của từng đơn vị cho phù hợp với tính chất và yêu cầu công việc. Thực hiện chủ trương của Đảng, một số cơ quan đã thực hiện việc khoán số lượng cấp phó.
Do vậy, UBTVQH xin QH cho giữ cụm từ “bảo đảm bình quân” để thể hiện đúng tinh thần khoán cấp phó.
Thời điểm có hiệu lực thi hành của luật là ngày 1/7/2020, tuy nhiên luật sẽ bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cơ cấu Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, số lượng cấp phó tại Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.