Quốc hội thông qua Nghị quyết công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA
Sáng nay 18/6, Quốc hội bỏ phiếu Nghị quyết công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) với tỉ lệ tán thành là 95,03%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã đồng ký kết Hiệp định EVIPA vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Việc chính thức ký 2 Hiệp định quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định EVIPA đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên. EU với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng trái đất để làm đối tác.
Hiệp định EVIPA sẽ thay thế các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và 21 nước thành viên EU. Nghị quyết công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA quyết định như sau:
Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, Nghị quyết này quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành (sau đây gọi là Phán quyết) theo quy định tại Mục B Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam (sau đây gọi là Hiệp định).
Về công nhận và cho thi hành Phán quyết tại Điều 2, Phán quyết được ban hành trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, làm tại New York, ngày 10/6/1958 để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.
Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Phán quyết được ban hành đối với bị đơn là Liên minh Châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh Châu Âu được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.
Phán quyết theo quy định tại Điều này được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
Về tổ chức thực hiện tại Điều 3, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết này. Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời cho Tòa án nhân dân tối cao thời điểm kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này.
Về hiệu lực thi hành tại Điều 4, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định có hiệu lực.