Quốc hội thông qua Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, sáng nay, 29.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu với 462/463 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội.
Số thuế bổ sung được nộp vào ngân sách Trung ương
Theo đó, Nghị quyết quy định việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với người nộp thuế theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Người nộp thuế gồm đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên, trừ các trường hợp: các tổ chức của Chính phủ; tổ chức quốc tế; tổ chức phi lợi nhuận; quỹ hưu trí; quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao; tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức nêu trên; đối tượng được Chính phủ quy định chi tiết.
Nghị quyết cũng nêu rõ: đối với quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, thời hạn nộp Tờ khai thông tin theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung kèm theo Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính và thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính.
Đối với quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu, thời hạn nộp Tờ khai thông tin theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung kèm theo Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính và thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung chậm nhất là 18 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với năm đầu tiên tập đoàn thuộc đối tượng áp dụng; thời hạn chậm nhất là 15 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với các năm tiếp theo.
Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được nộp vào ngân sách trung ương.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Bảo đảm rõ ràng trong thực hiện
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến cho rằng, theo quy định về thuế tối tiểu toàn cầu, việc đánh thuế đối với các Khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu bắt đầu có hiệu lực từ 1.1.2025, song chưa được quy định trong dự thảo Nghị quyết. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết để có cơ sở áp dụng tại Việt Nam. Trong trường hợp dự thảo Nghị quyết không bổ sung nội dung này thì đề nghị đưa các quy định này vào Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), bảo đảm hiệu lực áp dụng từ năm tài chính 2025 để giữ được quyền thu khoản thuế này cho Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu, đưa quy định nội dung này vào Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp khi sửa đổi. Theo đó, giao Chính phủ khẩn trương xây dựng hồ sơ dự án Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để có thể áp dụng từ năm tài chính 2025, bảo đảm giữ được quyền đánh thuế đối với các Khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Về kê khai nộp thuế và chế tài thực hiện, có ý kiến cho rằng dự thảo Nghị quyết chưa có các nội dung quy định về công tác quản lý thu nộp như cách thức kê khai, nơi nộp thuế, chế tài trong trường hợp các doanh nghiệp không thực hiện. Đề nghị cân nhắc bổ sung các nội dung này để bảo đảm rõ ràng trong thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đúng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết hiện chưa có các quy định cụ thể về nội dung quản lý thuế, ngoại trừ quy định về thời gian nộp các tờ khai và quy định việc thu khoản thuế tối thiểu toàn cầu này về ngân sách trung ương. Hiện cơ quan soạn thảo đang dự kiến việc quản lý thu thuế tối thiểu toàn cầu bổ sung sẽ được quản lý tập trung tại cơ quan Thuế trung ương thuộc Tổng cục Thuế, điều này là khác với các cơ chế quản lý thuế hiện hành; tuy nhiên, các quy định về xử lý vi phạm, chế tài xử lý có thể được áp dụng theo các quy định hiện hành của Luật Quản lý thuế. Các nội dung này sẽ cần được Chính phủ quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo hướng bổ sung vào Điều 6 nội dung về quản lý thuế và giao Chính phủ căn cứ các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (tại Điều 6) và Luật Quản lý thuế, quy định chi tiết về quản lý thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định để có thể sớm ban hành sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện.