Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế
Sáng 10-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự chủ trì, điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian qua luôn được đổi mới để nâng cao hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi chung của việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp; làm cho hoạt động chất vấn không chỉ đơn thuần là hình thức giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, mà còn là dịp để tương tác, bổ trợ cho hoạt động giám sát khác, thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội.
“Thành công của phiên chất vấn là yếu tố bảo đảm thành công của kỳ họp thứ hai, là tiền đề để rút kinh nghiệm cho các kỳ họp sau được tốt hơn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn lần này thuộc các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư.
Bộ trưởng các bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư; các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam cùng một số bộ, ngành sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Dự kiến, sáng 12-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Về cách thức chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, mỗi vị đại biểu nêu câu hỏi trong phạm vi 1 phút; bộ trưởng trả lời mỗi vấn đề trong phạm vi 3 phút. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đại biểu Quốc hội lựa chọn 1-2 vấn đề trọng tâm, rõ ràng để chất vấn Bộ trưởng. Quá trình trả lời chất vấn, các Phó Thủ tướng và thành viên khác của Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho các thành viên Chính phủ liên quan đến lĩnh vực chất vấn. Đối với việc tranh luận, người chất vấn và đại biểu khác có thể giơ biển số tranh luận lại với bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đại biểu không dùng quyền tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn; không tranh luận giữa các đại biểu với nhau.
Do phạm vi chất vấn rộng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phân công các thành viên khác của Chính phủ tham gia để nắm bắt các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm. Sau khi kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết chung về nội dung này.
4 nhóm vấn đề chính tập trung chất vấn thuộc lĩnh vực y tế
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, từ đầu giờ sáng nay, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long "đăng đàn", trả lời các chất vấn tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính:
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vắc xin trong thời gian tới;
Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm;
Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn;
Định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế...
Trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long có 5 phút báo cáo trước Quốc hội.
Một số nơi lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch
Trả lời chất vấn đầu tiên của đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về các giải pháp triển khai đồng bộ Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh chính sách chống dịch theo từng giai đoạn, từng mốc thời gian. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đã chuyển sang trạng thái thích ứng, chung sống an toàn với Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn.
Ở nước ta, thời gian qua, sau khi tham khảo các tổ chức quốc tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 128/NQ-CP đã được ban hành với nhiều điểm đáng lưu ý.
Để bảo đảm thực hiện đồng bộ giải pháp, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, các địa phương phải đánh giá được cấp độ dịch của mình, từ đó áp dụng biện pháp triển khai phù hợp.
“Các địa phương muốn chuyển sang thích ứng an toàn, việc chuẩn bị cơ sở vật chất hết sức quan trọng, đặc biệt là hệ thống hạ tầng y tế, y tế cơ sở, thành lập trung tâm hồi sức… và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm có hiệu quả. Hiện có một số nơi lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với tình hình dịch. Các cơ quan chuyên môn và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo liên tục việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu.
Không buộc cách ly tập trung với người “đi chung thang máy” với F0
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) nêu, nhiều cử tri sống tại chung cư lo lắng về việc F1 bị bắt buộc đưa đi cách ly tập trung 14 ngày mà cơ quan thực hiện không xem xét các trường hợp cụ thể, như họ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có đeo khẩu trang, chỉ đi chung thang máy với F0... Trong khi các trường hợp này có điều kiện để được cách ly tại căn hộ, tránh gây lãng phí nguồn lực và tổn hại đến tinh thần của người phải cách ly. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình).
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu, thời gian qua, Bộ Y tế đã có hướng dẫn đầy đủ về việc áp dụng các biện pháp cách ly với người đi từ vùng dịch trở về. Ví dụ, người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, chỉ cần theo dõi y tế ở nhà 7 ngày, xét nghiệm ngày thứ nhất. Đối với người đã khỏi bệnh cũng áp dụng quy định tương tự. Người đã tiêm 1 mũi vắc xin áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày. Người chưa được tiêm mũi vắc xin nào cách ly tại nhà 14 ngày…
Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương, nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt với khu vực mật độ dân cư cao như chung cư, các đơn vị, địa phương thực hiện việc cách ly linh hoạt, bảo đảm an toàn.
Cho rằng phần trả lời chưa rõ, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã tranh luận, nêu rõ câu hỏi đang được nhiều cử tri sinh sống tại các chung cư hiện nay là trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đeo khẩu trang, vô tình “đi chung thang máy” với F0 thì có phải đi cách ly tập trung hay không?
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, các trường hợp này không buộc phải cách ly tập trung 14 ngày. Bộ trưởng đề nghị các địa phương áp dụng thống nhất, đặt biệt khi chúng ta đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, hiệu quả với đại dịch.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá xét nghiệm
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) tranh luận cho biết, thời gian qua, một số thông tin báo chí cho biết, Bộ Y tế không quản lý giá xét nghiệm nên có tình trạng mỗi nơi một giá khác nhau. “Điều này là rất khó với các địa phương, vì thế, sắp tới Bộ Y tế cần phải quản lý chặt tình trạng này, không để tư nhân muốn làm gì thì làm. Tôi lấy ví dụ khi đi xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất có giá 440 nghìn/lần”.
Đồng thời, đại biểu đề nghị Bộ Y tế và Bộ Nội vụ có ý kiến chỉ đạo việc tách bạch giữa làm quản lý và chuyên môn để tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc như tại một số bệnh viện thời gian qua, cụ thể là liên quan đến việc đấu thầu các thiết bị y tế.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, giá xét nghiệm do Bộ Y tế tự thanh - tự chi, còn với các đơn vị tư nhân phải tự chịu trách nhiệm nhưng phải niêm yết công khai.
“Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá", Bộ trưởng nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) tranh luận cho rằng, việc loạn giá xét nghiệm mà cử tri phản ánh trên thực tế là có thật. Đại biểu đánh giá cao tinh thần tiếp thu của Bộ Y tế để điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ trước hết cần có thông tư quy định giá trần với giá dịch vụ y tế tư nhân, vì Covid-19 là đại dịch đặc biệt và giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 cần được quản lý và Bộ Y tế cần thường xuyên kiểm tra, tham gia giám sát để hạn chế loạn giá, trong đó có việc sử dụng kít xét nghiệm trôi nổi trên thị trường.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội).
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp thu ý kiến này để bảo đảm công bằng cho hệ thống y tế tư nhân nhưng cũng tránh được tình trạng loạn giá như cử tri phản ánh.
Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế vẫn thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống y tế tư nhân; đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu kiểm soát nghiêm việc thực hiện giá dịch vụ y tế của hệ thống y tế tư nhân, tránh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá.
Bảo đảm công khai, minh bạch trong mua sắm thiết bị y tế
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) và đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) về thực tế vừa qua, nhiều cán bộ y tế rơi vào “vòng lao lý” vì liên quan đến đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, quản lý giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, đây là những sự việc hết sức đau lòng, xuất phát từ nhiều lý do, trong đó nhiều vi phạm mang tính cá nhân.
"Thời gian qua, ngành Y tế có những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong công tác quản lý liên quan đến một số cá nhân, song không ảnh hưởng đến toàn ngành. Những trường hợp có sai phạm này phải xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các đơn vị sự nghiệp công thì chúng tôi đã cố gắng tách bạch giữa quản lý và chuyên môn. Tới đây, chúng tôi phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu về thể chế để hạn chế xảy ra tình trạng này”, Bộ trưởng trả lời.
Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại các hướng dẫn, thể chế liên quan đến quản lý, mua sắm, đấu thầu, phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra giám sát với các đơn vị thuộc Bộ; các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đơn vị trên địa bàn để ngăn ngừa, phòng, chống và xử lý, đấu tranh với các trường hợp vi phạm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội).
Chung mối quan tâm về các sai phạm kinh tế trong lĩnh vực y tế, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, theo quy định, hằng năm cơ quan chủ quản, kiểm toán, thanh tra... thực hiện duyệt quyết toán vốn ngân sách, kiểm tra báo cáo tài chính... của đơn vị tự chủ. Những cơ quan này có chức năng về quản lý kinh tế mà không phát hiện sai phạm thì những người làm chuyên môn làm sao có thể phát hiện? Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ, sau khi phát hiện sai phạm thì các cơ quan kiểm tra cũng phải chịu trách nhiệm. Vậy, các cơ quan tố tụng có bỏ lọt tội phạm không?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo quy định, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện, kể cả sai phạm. Việc quản lý của ngành Y tế là theo địa bàn và lãnh thổ, về mặt chuyên môn, kỹ thuật đối với các cơ sở y tế trên toàn quốc. Tuy nhiên, nhân lực, nhân sự quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh quản lý. Bộ Y tế cũng đã lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành những vấn đề bức xúc nhưng chỉ mang tính chất chuyên môn. Đồng thời, Bộ Y tế thời gian qua đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị thuộc Bộ về việc quản lý đấu thầu mua sắm, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định pháp luật. Cơ chế mua sắm trong tình trạng khẩn cấp đã có, nhưng vẫn còn hiện tượng ngại mua sắm theo yêu cầu phòng, chống dịch. Tới đây, Bộ trưởng kỳ vọng các địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ mua sắm thiết bị y tế bảo đảm công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong hoạt động này.
Đăng đàn trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc có nên tách bạch giữa quản trị và chuyên môn trong ngành y tế để tránh những sai sót xảy ra như thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là chủ trương đúng và Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết về việc sử dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp, trong đó nêu rõ các tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vẫn còn một số đơn vị còn tình trạng cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ thực tế đó, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để tham mưu Chính phủ ban hành các quy định cụ thể nhằm bảo đảm cán bộ quản lý có đủ năng lực chuyên môn và quản trị đáp ứng yêu cầu công việc của đơn vị y tế tự chủ về tài chính.
Giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Quản lý giá 2012 giao việc quản lý về cho bộ chuyên ngành. Cụ thể, việc quản lý giá thiết bị y tế thuộc về Bộ Y tế. Thời gian qua, đã xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý giá, không chỉ đối với trang thiết bị y tế, mà cả trong lĩnh vực giáo dục, đất đai… Đây là “lỗ hổng” cần được hoàn thiện. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Cùng tham gia, Bộ Tài chính có 2 văn bản ban hành ngày 5-11 để bịt “lỗ hổng” này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, Nghị định 98/2021/NĐ-CP sẽ quản lý chặt chẽ hơn, buộc các đơn vị phải kê khai giá và truyền về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế để quản lý. Nếu các đơn vị bán giá sai so với kê khai sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoạt động; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, bị truy tố trước pháp luật. Với thiết bị y tế nhập khẩu, phải công khai giá nhập thông qua hải quan và các chi phí hợp lý hình thành giá cơ sở. Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ, không để đơn vị lợi dụng viện trợ, tài trợ để nâng giá thiết bị y tế, đưa vào chi phí sản xuất.
Bảo đảm sự công bằng trong tiêm vắc xin
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) đặt câu hỏi về công tác dự báo phòng, chống dịch thời gian tới. Đối với tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế có kế hoạch gì để công tác tiêm chủng được công bằng?
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, dự báo về Covid-19 là rất khó khăn và thực tế nhiều nước trên thế giới chỉ dự báo chung, rằng dịch bệnh có thể giảm vào năm 2022. Trong báo cáo của Chính phủ, Bộ Y tế cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế này để từ đó có kinh nghiệm hơn trong công tác dự báo.
Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, tuy nhiên, lại xuất hiện tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân. Trong thời gian tới, khi khí hậu lạnh xuất hiện, rồi tình trạng tập trung đông người vào dịp lễ, Tết thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Vì thế, các địa phương cần lưu ý vấn đề này, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc xin cho người dân.
"Thời gian qua, chiến lược tiêm vắc xin của chúng ta rất thành công, triển khai đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực như mua, nhập khẩu và hỗ trợ với gần 200 triệu liều. Cùng với đó, chúng ta đã thúc đẩy chiến lược ngoại giao vắc xin, thương thuyết với các đơn vị cung ứng vắc xin để bảo đảm lượng vắc xin về nước; đồng thời đẩy nhanh tiến độ sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc xin trong nước", Bộ trưởng cho biết thêm.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu phân bổ vắc xin theo mức độ dịch của từng địa phương; đồng thời yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm. Lượng vắc xin đủ để tiêm 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Thời gian tới, chúng ta có thể sẽ tiêm mũi 3 nhưng cần theo quy định, vừa bảo đảm công bằng nhưng vẫn cần ưu tiên những khu vực phức tạp về dịch.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội).
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) về thời điểm vắc xin phòng Covid-19 của nước ta được phê duyệt và đưa vào sử dụng, Bộ trưởng thông tin, hiện trong nước có 2 đơn vị tiến hành nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 và đang tiến hành đến giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.
Về việc cấp phép, Bộ Y tế chỉ có thể cắt ngắn thủ tục hành chính. Còn về mặt chuyên môn, an toàn phải bảo đảm tối đa. Bộ đã thành lập 2 hội đồng, hoạt động tương đối độc lập, gồm: Hội đồng Y đức và Hội đồng cấp phép. Hai hội đồng liên tục làm việc với nhà nghiên cứu, sản xuất để bổ sung, tăng cường dữ liệu, bảo đảm an toàn hiệu quả. Chúng ta kỳ vọng sớm có vắc xin của Việt Nam để chủ động trong nguồn cung. Còn thời gian cụ thể phải chờ từ hoạt động của hai hội đồng trên.
Về chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) liên quan đến trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong xây dựng, triển khai chiến lược vắc xin Covid-19, nếu làm sớm hơn sẽ ngăn chặn được những tổn thất về dịch bệnh trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chúng ta tiếp cận vắc xin sớm nhưng mua muộn hơn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, tình trạng khan hiếm vắc xin vẫn đang xảy ra, các nước phát triển mua với số lượng lớn, gây ra sự bất bình đẳng trong phân phối vắc xin quy mô toàn cầu; tâm lý sử dụng vắc xin chưa ổn định; khó khăn trong cam kết, thỏa thuận mua vắc xin do phải vượt qua nhiều quy định của pháp luật...
“Vấn đề này, Bộ Y tế nhận trách nhiệm và đã triển khai các biện pháp bảo đảm vắc xin năm 2021 và năm 2022”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản để người dân khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm
Trả lời đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) về khắc phục hạn chế của công tác khám sàng lọc sức khỏe cho người dân, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo Luật Bảo hiểm y tế hiện nay, chưa được sử dụng ngân sách của bảo hiểm y tế để chi trả cho khám sàng lọc. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế sẽ xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản để bảo đảm mỗi người dân có thể khám sàng lọc sức khỏe ít nhất 1 lần/năm.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tham mưu xây dựng Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi), trong đó, đưa việc sử dụng ngân sách của bảo hiểm y tế để chi trả cho công tác khám sàng lọc cho người dân. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương có thể sử dụng ngân sách địa phương để tổ chức chương trình khám sàng lọc cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, hiện 75% việc khám, chữa bệnh được thực hiện tại cơ sở y tế tuyến huyện, xã nhưng chi tiêu chỉ được 34%, đặc biệt tuyến xã chỉ 2%. Bộ sẽ tiến hành rà soát tổng thể, đề xuất giải pháp về cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế để bảo đảm chức năng khám, chữa bệnh và y tế dự phòng theo hình thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ; cơ chế giao gói dịch vụ y tế dự phòng hoặc theo cơ chế của bảo hiểm y tế...
Hiệu quả hoạt động của các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện
Đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi về việc chuyển giao các bệnh viện tuyến quận, huyện cho Sở Y tế quản lý thời gian qua. Thực tế cho thấy, các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện dưới sự điều hành, quản lý nhà nước của UBND quận, huyện thì hoạt động khám, chữa bệnh cũng như chống dịch hiệu quả hơn, còn Sở Y tế chỉ nên quản lý về mặt chuyên môn. Vậy, tới đây Bộ Y tế giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là vấn đề quan trọng đang đặt ra để đổi mới hệ thống tổ chức y tế của nước ta. Thực tế cho thấy, các trung tâm y tế, bệnh viện thuộc sở y tế quản lý thời gian qua tại một số nơi hoạt động còn chưa thực sự hiệu quả. Vì thế, khi làm việc với thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Bộ đã ủng hộ việc chuyển giao trách nhiệm quản lý trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn cho quận, huyện. Bộ trưởng mong rằng, thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm để qua đó Bộ Y tế rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các địa bàn khác.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế giải trình rõ hơn việc thống nhất quản lý về chuyên môn cũng như bộ máy hoạt động của các trung tâm y tế, bệnh viện.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) nêu vấn đề, việc thành lập trạm y tế xã đã khó nhưng việc bảo đảm chất lượng hoạt động còn khó hơn, vậy giải pháp của Bộ Y tế thời gian tới là gì?
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội).
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, mặc dù đã được đầu tư nâng cấp rất nhiều, song hiện có khoảng 20% trạm y tế xã chưa hoạt động hiệu quả. Trong đó, chỉ có khoảng 48% trạm y tế xã bảo đảm được 80% các dịch vụ y tế của địa phương. Thời gian qua, Bộ Y tế gấp rút thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để nâng cao năng lực cho hệ thống trạm y tế xã, trong đó chú trọng sắp xếp lại bộ máy tổ chức.
Thực tế cho thấy, trạm y tế chỉ khoảng 12 người thì khó có thể đáp ứng được tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Vì thế, Chính phủ đưa ra kế hoạch sử dụng trạm y tế lưu động để bù đắp thiếu hụt này. Cùng với đó, Chính phủ đã chú trọng đầu tư nâng cấp khoảng 1.000 trạm y tế xã nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được. Sắp tới đây, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cũng như các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cao năng lực cho hệ thống trạm y tế xã cả về nhân lực và cơ sở vật chất, đổi mới cơ chế tài chính nhằm bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.
Đối với việc phân cấp quản lý hệ thống y tế cấp quận, huyện (trung tâm y tế và bệnh viện), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ thực hiện việc phân cấp này cho các địa phương; đồng thời rà soát việc phân cấp các đơn vị y tế đang thuộc sở y tế các địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Còn đối với vấn đề nhân lực ngành y tế, Bộ trưởng thừa nhận vẫn còn tình trạng hạn chế về số lượng, nguồn nhân lực chất lượng. Vì thế, sắp tới, Bộ Nội vụ cũng sẽ rà soát và lập đề án có tính chiến lược để xây dựng nguồn nhân lực y tế có thể đáp ứng được yêu cầu, trong đó tính đến việc tự chủ tài chính của các đơn vị y tế. Cùng với đó là những cơ chế, chính sách phù hợp để vận hành các cơ sở y tế tự chủ về tài chính và điều này cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan.
Không yêu cầu người dân xét nghiệm khi đi lại
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nêu thực trạng, về xác nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính, có nơi quy định có hiệu lực trong 72 giờ, nơi 48 giờ, nơi 24 giờ và đặt câu hỏi, có hướng dẫn chung, thống nhất nào không? Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời, thời gian giá trị xét nghiệm khác nhau giữa các quốc gia nhưng cơ bản lấy mốc trong 72 giờ.
Về tần suất xét nghiệm đi từ vùng dịch (cách ly, phong tỏa), Bộ trưởng nêu rõ, không yêu cầu xét nghiệm đối với những vùng có tình hình dịch tương đồng nhau. Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế nêu rõ, không yêu cầu người dân xét nghiệm khi đi lại, chỉ xét nghiệm cho người dân từ vùng dịch về và việc xét nghiệm do nhân viên y tế, cơ quan y tế thực hiện. Trong công tác xét nghiệm, chỉ thực hiện trọng tâm, trọng điểm, theo địa bàn, nhóm đối tượng có nguy cơ. Tần suất xét nghiệm tùy theo sự đánh giá nguy cơ của các địa phương.
Vừa kiểm soát dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng).
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) đặt câu hỏi về thực trạng thời gian qua, nhiều người dân từ thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía Nam trở về địa phương và đây là nguồn lây lan dịch, gây áp lực với các địa phương có năng lực y tế còn hạn chế. Vậy, trách nhiệm của Bộ Y tế ra sao để chúng ta vừa kiểm soát dịch, vừa phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, sau khi cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch, đã có khoảng 1,6 triệu người đi từ các tỉnh phía Nam về các địa phương và nay di chuyển ngược lại, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết 128, không "ngăn sông, cấm chợ", nhưng phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch để thích ứng an toàn.
"Chúng ta không thể không có ca nhiễm mới được, mà phải thích ứng an toàn bằng việc tiêm phủ vắc xin, rồi nâng cao năng lực y tế cơ sở, kiểm soát nghiêm công tác phòng, chống dịch của các địa phương", Bộ trưởng nói.
Sẽ có chính sách cho người lao động gặp khó khăn tham gia bảo hiểm y tế
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) nêu, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều người lao động vẫn đang phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương nhưng không được tiếp tục gia hạn thẻ bảo hiểm y tế. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết giải pháp nhằm đáp ứng nguyện vọng người lao động được tiếp tục hỗ trợ giảm, miễn đóng bảo hiểm y tế và được bảo đảm chăm sóc sức khỏe, hưởng bảo hiểm y tế trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An).
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, bảo hiểm y tế đã bao phủ 90,85% dân số, tuy nhiên, năm 2021, có hiện tượng giảm đóng bảo hiểm y tế do tác động của dịch bệnh. Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội rà soát lại tất cả đối tượng đóng, có cơ chế, chính sách cho người lao động gặp khó khăn khi tham gia bảo hiểm y tế, bảo đảm độ phủ bảo hiểm, để người dân tiếp cận công bằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe qua bảo hiểm y tế.
Tránh tình trạng lạm dụng xã hội hóa trong lĩnh vực y tế
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi).
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế về giải pháp khắc phục tình trạng lạm dụng xã hội hóa máy móc, thiết bị y tế và việc áp dụng y học cổ truyền trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, xã hội hóa là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta để tiết kiệm ngân sách, đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thời gian qua, Bộ đã có nhiều văn bản chấn chỉnh việc lạm dụng máy móc xã hội hóa, song vẫn còn một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm, chưa đúng theo quy định của pháp luật, dẫn đến sai phạm. Thời gian tới, chúng ta tiếp tục xã hội hóa nhưng phải hình thành hành lang pháp lý để các đơn vị y tế thực hiện tốt, tránh được sai phạm, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Về việc huy động các lực lượng y tế, trong đó có y học cổ truyền vào điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các địa phương áp dụng, song do Covid-19 là bệnh cấp tính nên chỉ dùng y học cổ truyền để nâng đỡ về thể chất, sức khỏe cho người bệnh. Sắp tới, chúng ta tiếp tục áp dụng điều trị bằng y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh cho người dân, trong đó có hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Vắc xin Covid-19 không gây đột biến chức năng sinh sản đối với trẻ em
Trả lời về vấn đề tiêm vắc xin mRNA cho trẻ em của đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, qua nghiên cứu trao đổi, hướng dẫn của các tổ chức y tế trên thế giới, cách làm của các nước cũng như Việt Nam là tiêm từ lứa tuổi lớn đến nhỏ, nhóm nguy cơ có bệnh lý nền, sau đó mở rộng sang các đối tượng khác.
Hiện, vắc xin duy nhất được sử dụng cho trẻ em tại Việt Nam là Pfizer-BioNTech. Cơ chế của vắc xin là vào trong cơ thể không xâm nhập hệ gen, mà chỉ xâm nhập tế bào cơ, kết hợp sản xuất kháng thể chống lại vi rút, không có sự xâm nhập trực tiếp vào gen.
“Những ý kiến cho rằng vắc xin gây đột biến sinh sản đối với trẻ em cho đến thời điểm hiện nay được khẳng định là không có và vẫn đang tiếp tục được theo dõi”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ trưởng cũng khẳng định, tất cả vắc xin được cấp phép sử dụng tại Việt Nam được bảo đảm an toàn, chất lượng và theo đúng quy định chung của thế giới.
Bộ trưởng Bộ Y tế có thêm 10 phút trả lời chất vấn của đại biểu trong phiên chiều nay
Cuối phiên chất vấn sáng nay, một số đại biểu tiếp tục nêu các chất vấn về các biện pháp tham mưu của Bộ Y tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch khi mở cửa trở lại, bảo đảm an toàn cho du khách; mô hình chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm Covid-19 tại gia đình; chế độ, chính sách với cán bộ ngành y tế, đặc biệt là lực lượng phòng, chống dịch…
Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ có khoảng 10 phút trả lời các nội dung chất vấn của đại biểu. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam báo cáo thêm về các nội dung liên quan.