Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Sáng ngày 12/11, tiếp tục phần trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những giải trình cụ thể liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, việc xây dựng kịch bản để ứng phó với rủi ro, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, chương trình phục hồi kinh tế...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũngtiếp tục phát biểu giải trình trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũngtiếp tục phát biểu giải trình trước Quốc hội.

Trả lời chất vấn về giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp tại nhiệm kỳ trước, trên thực tế là không đạt được. Giải thích rõ hơn, Bộ trưởng cho rằng, để thực hiện được mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 cần những giải pháp căn cơ.

Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ, xây dựng một luật riêng cho hộ kinh doanh cá thể, trình cấp có thẩm quyền thông qua để phát huy tiềm năng, lợi thế của các hộ kinh doanh, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh "lớn lên" thành doanh nghiệp...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu giải pháp trước mắt, đó là tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào các chính sách đã được quy định trong luật để triển khai các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập mới và có thể hoạt động được.

Bên cạnh đó, những chương trình đang triển khai như chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ chuyển đổi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp… cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới...

Trả lời câu hỏi về xây dựng kịch bản để ứng phó với rủi ro về các cân đối lớn của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng để tiếp cận hai kịch bản đó là không có và có chương trình phục hồi. Đồng thời xác định mức độ nợ công, bội chi cho từng kịch bản.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tính toán về việc sử dụng các công cụ, chính sách tài khóa và tiền tệ như thế nào, khả năng huy động, phân bổ và hấp thụ của nền kinh tế ra sao. Về quan điểm, phải mạnh dạn hơn để phối hợp giữa phát triển kinh tế để phục hồi. Tinh thần chỉ đạo chung là vừa tăng trưởng, vừa tăng quy mô của nền kinh tế, vừa tăng thu ngân sách nhà nước, vừa tạo nhiều việc làm cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm an toàn về nợ công và bội chi ngân sách. Cùng với đó, đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và mang tính dẫn dắt để kích hoạt nguồn vốn ngoài nhà nước cùng tham gia...

Về các chất vấn liên quan đến công tác lập quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận việc triển khai lập quy hoạch còn chậm. Giải thích về nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, lý do là do chúng ta lần đầu tiên thực hiện theo phương pháp tích hợp, làm quy hoạch tổng thể. Trước đây, cả nước chưa bao giờ làm quy hoạch tổng thể mà chỉ làm quy hoạch từng ngành. Cũng vì lần đầu tiên nên năng lực tư vấn và các kiến thức các cơ quan chưa theo kịp, số lượng nhiều, làm đồng thời trong cùng một thời gian nên thực hiện gặp không ít khó khăn.

Đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã xây dựng xong khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ; quy hoạch 5 vùng kinh tế còn lại cũng cơ bản đã xong tới phần nghiên cứu và đang lấy ý kiến hoàn thiện và sẽ trình Thủ tướng sớm nhất trong tháng 11-12 năm nay để các địa phương, bộ ngành dựa trên khung định hướng này để lập quy hoạch của ngành, địa phương mình mà không nhất thiết chờ xong quy hoạch cấp trên mới lập quy hoạch cấp dưới...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trước đó, trong chiều ngày 11/11, trả lời các câu hỏi đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắng nhìn nhận về các tồn tại và đề xuất các giải pháp đối với các nội dung liên quan nợ công, tăng bội chi; giải ngân vốn đầu tư công; các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế.

Cụ thể, đối với vấn đề "tăng nợ công, tăng bội chi, nợ Chính phủ", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là vấn đề đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý trong quá trình xây dựng, được tính toán hết sức thận trọng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cùng tính toán về dư địa còn lại, sử dụng các công cụ từ chính sách tài chính, tài khóa, tiền tệ để xem xét sử dụng theo khả năng cũng như cách huy động nào hiệu quả nhất.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, đây là vấn đề hết sức quan trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như cân đối lớn nên khi tính toán phải hết sức thận trọng để đảm bảo phục hồi, tận dụng các cơ hội đảm bảo được các mục tiêu trong dài hạn, cân nhắc đến cả vấn đề an toàn, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm là ủng hộ nới bội chi và nợ công trong khoảng kiểm soát được. Vì nếu không nới bội chi và nợ công sẽ khó tăng trưởng kinh tế. Nếu không tăng trưởng thì khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm và khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển.

Giải thích thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu không nới bội chi và nợ công, chúng ta sẽ bỏ một loạt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dân số vàng, các hiệp định thương mại tự do, những chuyển dịch mới, vừa phát triển, giải quyết việc làm... Không nới bội chi và nợ công cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có đầu tư, không có phát triển, sẽ là vòng luẩn quẩn là bội chi, nợ công lúc nào cũng ở mức cao.

Về giải ngân vốn đầu tư công, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là vấn đề nan giải chưa giải quyết một cách triệt để. Nếu chúng ta giải ngân không tốt, kể cả gói hỗ trợ cho đầu tư công cũng rất khó hấp thụ. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng hai kịch bản cho kinh tế, có hoặc không có chương trình phục hồi, từ đó xác định các tỷ lệ về mức nợ công, bội chi, lạm phát cho từng kịch bản.

Về câu hỏi các dự án ODA hiện nay đang giải ngân rất chậm và các giải pháp triển khai hiệu quả các dự án ODA, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đối với một số dự án ODA, ngoài việc phải thực hiện các thủ tục theo quy trình, thủ tục và pháp luật trong nước còn phải làm thêm các quy trình, thủ tục của nhà tài trợ. Thêm vào đó, các nguyên nhân như: khâu nhập khẩu máy móc gặp khó khăn hay chuyên gia lao động bị cách ly, không được di chuyển giữa địa phương này đến địa phương kia… càng khiến tốc độ giải ngân các dự án có vốn ODA thấp.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các ngành, địa phương rà soát lại những dự án nào có vướng mắc có thể tháo gỡ nhằm thúc đẩy tiến độ, đảm bảo hiệu quả. Những dự án nào không thực sự hiệu quả, không còn phù hợp sẽ bàn với nhà tài trợ để "đóng" các dự án này, không để kéo dài và lãng phí...

Trả lời chất vấn của đại biểu về các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu kép trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 5 nhóm giải pháp gồm: Tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch và thực hiện Nghị quyết 128 một cách thắt chặt an toàn, có lộ trình phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch và khả năng tiêm vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; Hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, khuyến khích tăng tính chủ động cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục; Tập trung hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội...

Về các chính sách chung, Bộ sẽ nghiên cứu, có ý kiến trình Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền để cho phép kéo dài các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay trong một số lĩnh vực ưu tiên, có một số các chính sách riêng đối với ngành và lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số...

Đồng thời, với phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP để thực hiện các hạ tầng này, đầu tư công sẽ tập trung cho hạ tầng chiến lược và những công trình trọng điểm quốc gia, công trình an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, ứng phó với biến đổi... ; sẽ tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và đi kèm với đó phải có chính sách về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế...

Việt Hoàng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/quoc-hoi-tiep-tuc-chat-van-bo-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-341614.html