Quốc hội tiếp tục thảo luận các dự án luật
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, sáng 25-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, sáng 25-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử hiện hành là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị, một trong những chủ trương, chính sách quan trọng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là phải: “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng...”.
Việc sửa Luật cũng khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Mục đích xây dựng Luật nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Luật cũng khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Theo đó, Luật sửa đổi có một số điểm mới so với Luật hiện hành như chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; giá trị pháp lý của chứng thư điện tử; chuyển nhượng chứng thư điện tử; yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử; chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng…
Về điều khoản thi hành, Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành để đảm bảo việc thực thi Luật sau khi được ban hành phù hợp với thực tế.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN và MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng Dự thảo Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp, truyền thống thì vẫn tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành. Về cơ bản, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) có liên quan. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định chưa hoàn toàn bám sát các yêu cầu của cam kết hoặc còn thiếu các quy định so với yêu cầu của cam kết. Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cũng chưa thể hiện toàn diện các nguyên tắc và thể hiện chính xác khái niệm thông điệp dữ liệu (khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật) như Luật mẫu về thương mại điện tử 1996 (UNCITRAL). Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế...
Trên cơ sở nội dung Báo cáo thẩm tra, Ủy ban KH, CN và MT đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; về dịch vụ tin cậy; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử…
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Luật Thanh tra hiện hành được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2010. Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay.
Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và nhất trí với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật. Các ý kiến của đại biểu tập trung vào các quy định cụ thể: đề nghị bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực cho cơ quan thanh tra; nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí thành lập...; Về Thanh tra sở; Về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra; Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán; Về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra,…
Cuối phiên họp sáng, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện để đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý Nhà nước, ở đó có thanh tra”, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với Thanh tra cấp huyện. Do đó, sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc kiện toàn, tổ chức nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện đáp ứng các yêu cầu quản lý Nhà nước hiện nay.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua với chất lượng tốt nhất…
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); nghe báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Sau đó cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.