Quốc hội Triều Tiên sửa Hiến pháp để bảo vệ chính sách hạt nhân
Việc sửa đổi Hiến pháp của Triều Tiên nhằm xác lập vị trí của lực lượng hạt nhân trong chính sách quốc phòng và nguyên tắc hoạt động của nhà nước trong việc xây dựng lực lượng hạt nhân, đối phó với mối đe dọa từ hợp tác an ninh ba bên Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hôm 28/9, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân tối cao (SPA, tức Quốc hội Triều Tiên), khóa 14 đã thông qua 7 vấn đề hệ trọng của đất nước.
Vấn đề hàng đầu được đề cập là việc sửa đổi Hiến pháp nhằm quy định vị trí của lực lượng hạt nhân trong chính sách quốc phòng và nguyên tắc hoạt động của nhà nước trong việc xây dựng lực lượng hạt nhân.
Ông Choe Ryong Hae - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc vụ, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ SPA, đã trình bày nội dung sửa đổi, trong đó xác định, Triều Tiên là quốc gia hạt nhân có trách nhiệm, phát triển vũ khí hạt nhân ở cấp độ cao để đảm bảo quyền tồn tại và phát triển của đất nước, ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và phần còn lại của thế giới.
Sứ mệnh của các lực lượng vũ trang Triều Tiên là bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích của nhân dân, bảo vệ hệ thống XHCN và thành quả của cách mạng khỏi mọi mối đe dọa, cũng như bảo đảm hòa bình và sự thịnh vượng của đất nước với năng lực quân sự mạnh mẽ.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh, việc nhất trí thông qua quyết định sửa đổi Hiến pháp, cụ thể là bổ sung Điều 58 Chương 4 Hiến pháp, là điều có ý nghĩa sâu sắc và hệ trọng, nhằm bảo đảm quyền tồn tại và phát triển của đất nước, ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ hòa bình khu vực và toàn cầu bằng cách nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân lên cấp độ cao hơn.
“Chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân của Triều Tiên đã được xác định là lâu dài như luật cơ bản của quốc gia, không ai được phép coi thường bất cứ điều gì. Đây là sự kiện lịch sử, tạo đòn bẩy chính trị mạnh mẽ để tăng cường đáng kể năng lực quốc phòng của đất nước.”, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói, nhấn mạnh ý nghĩa răn đe, tự vệ của chương trình hạt nhân trong bối cảnh phải đương đầu lâu dài với Mỹ, cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới và các lực lượng đồng minh.
Với chính sách loại bỏ chế độ XHCN ở Bình Nhưỡng, Mỹ đã tối đa hóa các mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đối với Triều Tiên bằng cách nối lại các cuộc tập trận hạt nhân chung quy mô lớn cùng với việc triển khai thường xuyên các khí tài hạt nhân chiến lược gần bán đảo Triều Tiên, sau khi thiết lập Nhóm tư vấn hạt nhân nhằm mục đích sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong Un cho biết, lưu ý, việc nhanh chóng hình thành liên minh quân sự ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc cuối cùng đã dẫn đến sự xuất hiện của “NATO phiên bản châu Á”, nguyên nhân sâu xa của chiến tranh và xâm lược và đây thực sự là mối đe dọa hiện hữu mà không phải lời nói xuông.
Tại kỳ họp, Triều Tiên cũng đổi tên Cục Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia, cơ quan chịu trách nhiệm phóng vệ tinh do thám quân sự, thành Tổng cục Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia.
Vào tháng 9 năm ngoái, Quốc hội Triều Tiên đã ban hành Luật hạt nhân mới, cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu trong tình huống quốc gia đứng trước mối đe dọa cận kề.