Quốc hội và các nghị sĩ là cầu nối giữa ý chí chính trị và nguyện vọng của nhân dân
Sau hai ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, hữu nghị, đoàn kết và với tinh thần trách nhiệm cao, chiều 16/9, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự chính thức và thành công tốt đẹp.
Lực lượng tiên phong trong nỗ lực cải cách thể chế
Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Hội nghị đã thông qua Tuyên bố về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Đây là Tuyên bố đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu qua 9 kỳ tổ chức. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ IPU trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trên phạm vi toàn cầu.
Các phiên khai mạc, bế mạc, thảo luận chuyên đề đều có sự tham dự của đông đảo các vị lãnh đạo cao cấp của Việt Nam và Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), các vị đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và hàng trăm nghị sĩ trẻ đến từ nghị viện thành viên IPU khắp các châu lục. Các phiên thảo luận đã ghi nhận hàng trăm lượt ý kiến phát biểu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị có giá trị về chủ đề hội nghị.
“Trong mọi chặng đường phát triển của các quốc gia, Quốc hội và các nghị sĩ với vai trò lập pháp, giám sát và thực thi cao cả của mình, luôn là lực lượng tiên phong trong các nỗ lực cải cách pháp luật, thể chế và hội nhập quốc tế, là cầu nối giữa ý chí chính trị và nguyện vọng nhân dân, giữa pháp luật trong nước và luật pháp quốc tế, giữa nhân dân các quốc gia, dân tộc, đóng góp cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững ở phạm vi khu vực cũng như toàn cầu” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thành công của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 cho thấy Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU là một diễn đàn rất cần thiết, bổ ích cho các nghị sĩ trẻ và tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của nghị sĩ trẻ nói riêng, giới trẻ nói chung với tư cách là chủ nhân tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc và của cả thế giới trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của IPU và của Liên hợp quốc.
Khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam hết sức coi trọng và tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các thể chế đa phương mà Việt Nam là thành viên.
Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực cùng IPU và các nghị viện thành viên chung tay hành động để hiện thực hóa các mục tiêu, các nghị quyết của IPU nói chung và của Hội nghị Nghị sĩ trẻ nói riêng để không ngừng phát huy các sứ mệnh cao cả và nâng tầm ngoại giao nghị viện. "Quốc hội Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của IPU và sẵn sàng đăng cai tổ chức thêm những hội nghị và cơ chế khác trong khuôn khổ hoạt động của IPU" - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Xây dựng khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Trước đó, trong phiên bế mạc, Hội nghị đã nghe các đại biểu báo cáo tóm tắt kết quả của 3 Phiên thảo luận, báo cáo cuộc Tọa đàm tăng cường năng lực số cho thanh niên. Hội nghị cũng đã nghe trình bày và thống nhất thông qua “Tuyên bố Hội nghị về vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.
Tuyên bố của Hội nghị nêu rõ, hơn 200 nghị sĩ trẻ có mặt tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 từ ngày 14 - 17/9/2023 tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam để khẳng định cam kết trong việc thúc đẩy thực hiện các SDGs, đặc biệt thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Độ tuổi trung bình của các nghị sĩ là 37,8 tuổi và khoảng 37% là nữ nghị sĩ.
Để giúp thúc đẩy việc thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, các nghị sĩ trẻ đã thảo luận và đề xuất nhiều hành động.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, các nghị sĩ trẻ đề nghị cập nhật các quy định và cách thức làm việc của nghị viện để các nghị sĩ có thể tham gia và ứng dụng trực tuyến, chuyển đổi số nhiều hơn, tận dụng các nền tảng tương tác nhằm hỗ trợ đối thoại trực tiếp giữa cử tri và nghị sĩ, thúc đẩy sự tham gia của các nhóm, đặc biệt là giới trẻ vào các hoạt động nghị viện;
Cân nhắc việc nghiên cứu thành lập hoặc củng cố các ủy ban thuộc nghị viện hướng tới tương lai, chẳng hạn như Ủy ban tương lai và các cơ chế phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, để giúp nghị viện dự báo và ứng phó với các xu hướng dài hạn hoặc những mối đe dọa tiềm ẩn, đồng thời đảm bảo rằng thanh niên tham gia vào các cơ quan đó;
Xây dựng khung khổ pháp lý phù hợp và tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ chủ quyền số của các quốc gia nhằm đem lại một môi trường mạng an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững…
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các nghị sĩ trẻ đề nghị củng cố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thông qua việc xây dựng khung khổ pháp lý và tăng cường ngân sách cho lĩnh vực này.
Thúc đẩy phát triển các chương trình giáo dục chú trọng vào các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho thế hệ tương lai - thế hệ của những nhà đổi mới sáng tạo và doanh nhân trẻ ưu tiên các kỹ năng kỹ thuật số;
Khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chú trọng thanh niên, sinh viên, phụ nữ, tăng cường lồng ghép giới gắn với các SDGs; xây dựng một chương trình riêng cho đổi mới sáng tạo số và khởi nghiệp số;
Trong lĩnh vực văn hóa, đề xuất của các nghị sĩ trẻ là phát triển cách tiếp cận chung của nghị viện nhằm thiết lập một khuôn khổ các nguyên tắc, giá trị trong việc ra quyết định, nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ, chẳng hạn Bộ Quy tắc ứng xử của IPU về đạo đức khoa học và công nghệ, nhằm đảm bảo việc phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ được thực hiện có trách nhiệm, có đạo đức và bền vững;
Đóng góp mạnh mẽ vào nỗ lực nhằm ngăn chặn bạo lực trực tuyến đối với phụ nữ và trẻ em gái, thông qua thúc đẩy bình đẳng giới, kiểm soát phát ngôn thù hận và quản lý AI để phụ nữ và trẻ em gái được bảo vệ và để các công nghệ mới không thành kiến về giới…
Nội dung Tuyên bố cũng gửi lời cảm ơn tới Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp và thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này và ủng hộ sự tham gia của nghị sĩ trẻ, giới trẻ, cũng như việc thúc đẩy thực hiện các SDG, thông qua IPU và các cơ chế liên nghị viện quốc tế và khu vực. Đồng thời, sẽ sát cánh cùng nhau để giữ lời hứa trong Tuyên bố Hà Nội 2015 và đáp lại lời kêu gọi cấp bách của Chương trình nghị sự 2030.
Phát biểu trong phiên bế mạc, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco bày tỏ cảm ơn Quốc hội Việt Nam về đón tiếp chu đáo, tích cực, trọng thị dành cho các phái đoàn, qua đó tổ chức thành công Hội nghị rất lớn này. Đồng thời, Chủ tịch IPU cũng cảm ơn các đại biểu tham dự đã đem đến nhiều ý kiến sâu sắc, truyền nhiều cảm hứng mạnh mẽ.
Theo ông Duarte Pacheco, chúng ta đang gặp nhiều thách thức trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trong 7 năm tới, chúng ta có rất nhiều việc phải làm để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả nhân loại. Chúng ta cần quyết tâm thực hiện những điều đã cam kết, các nghị sĩ trẻ cần trở thành những nhà lãnh đạo, không chỉ là những chính trị gia.
“Thế hệ trẻ cần tạo ra thay đổi, thúc đẩy khoa học, đổi mới sáng tạo, dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho công nghệ, nâng cao hiểu biết số, có phản ứng phù hợp để bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. IPU, các thành viên ban lãnh đạo, ban thư ký IPU luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nghị sĩ trẻ hành động”, Chủ tịch IPU khẳng định.