Quốc hội vào cuộc để cùng tháo gỡ khó khăn của ngành giáo dục trong thực hiện chương trình mới
Giáo viên vốn là lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục, là người đồng hành không thể thiếu của học sinh. Đặc biệt, khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới, vai trò của giáo viên càng trở nên quan trọng hơn.
Thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới đòi hỏi việc tổ chức giảng dạy nhiều môn học mới: các môn trải nghiệm ở tiểu học, các môn tích hợp ở THCS và các môn nghệ thuật ở THPT. Tuy nhiên, với việc thiếu giáo viên như hiện nay, vai trò giảng dạy đôi khi “chắp vá”, ảnh hưởng đến chất lượng chương trình.
Cô LÊ THỊ ĐÔNG, Hiệu phó trường THCS Văn Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội: "Giáo viên thiếu nhiều nhất tập trung ở các môn như tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất."
Việc thiếu giáo viên qua nhiều năm đòi hỏi các giải pháp dài hơi, sự bổ sung thường xuyên mới có thể kịp thời củng cố.
Cô TEO THỊ THANH MAI, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội: “Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là một điều tất yếu, cần thiết phải thay đổi phù hợp với từng giai đoạn của xã hội. Nhưng để đổi mới giáo dục phổ thông hiệu quả cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, cần sự hợp tác của các trường sư phạm nắm bắt được nguồn lực để đào tạo chất lượng và đủ."
Sắp tới, ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện đổi mới sách giáo khoa cũng như chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bà HỒ THỊ MINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: "Chúng ta không nên nghĩ giám sát là sự cản trở, mà đây là một hướng mở, là sự quan tâm của Quốc hội đối với ngành giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để tháo gỡ những khó khăn mà lâu nay Bộ loanh quanh giải quyết vấn đề trong bộ."
Sự đồng hành của Quốc hội với ngành giáo dục là 1 giải pháp để kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Thực hiện : Đỗ Minh Việt Hà