Quốc hội Việt Nam mong được đón Chủ tịch Quốc hội Armenia vào tháng 11/2024
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam mong được đón Chủ tịch Quốc hội Armenia thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2024.
Chiều 19/10, tại Thủ đô Vientiane, Lào, bên lề Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã có cuộc hội kiến Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Armenia, Trưởng đoàn Quốc hội nước Cộng hòa Armenia Hakob Arshakyan.
Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trân trọng chuyển lời hỏi thăm và lời chúc sức khỏe của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Phó Chủ tịch Quốc hội Hakob Arshakyan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình mà nhân dân Armenia đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, cũng như trong những năm tháng tái thiết đất nước sau đó.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh vui mừng nhận thấy hợp tác kinh tế - thương mại song phương đã có những dấu hiệu tích cực nhờ triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu mà Armenia là thành viên. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 62,6 triệu USD, tăng 469% so với năm 2021, năm 2023 đạt 342 triệu USD, tăng 516% so với năm 2022. Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn trong quan hệ hợp tác hai nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam ủng hộ quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Quốc hội hai nước; đề nghị hai bên tăng cường hơn nữa hoạt động trao đổi đoàn trên kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam mong được đón Chủ tịch Quốc hội Armenia thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Hakob Arshakyan bày tỏ vui mừng và trân trọng gửi lời cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã dành thời gian gặp gỡ. Nhấn mạnh, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên không ngừng phát trển cả bình diện song phương và đa phương, Phó Chủ tịch Hakob Arshakyan khẳng định, Armenia luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Armenia cho biết, phía Quốc hội Armenia đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Armenia - Việt Nam và mong muốn Quốc hội Việt Nam cũng sớm thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Armenia nhằm tăng cường giao lưu nghị viện giữa hai Quốc hội. Bên cạnh đó, Armenia hiện chưa có cơ quan đại diện tại Việt Nam, vì vậy, Armenia mong muốn thiết lập cơ quan đại diện tại mỗi nước, xem xét cơ chế miễn thị thực giữa hai nước và thiết lập đường bay thẳng nhằm tăng cường hoạt động trao đổi đoàn và hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan mong muốn, Việt Nam có thể coi Armeria là cầu nối để kết nối mạnh mẽ với khu vực kinh tế Á - Âu. Sự hợp tác giữa Armeria và Việt Nam sẽ đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển hai nước và khu vực.
Tại cuộc gặp, hai Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hài lòng nhận thấy trong thời gian qua, quan hệ chính trị Việt Nam và Armenia phát triển tốt đẹp, với việc trao đổi, duy trì đoàn các cấp, bao gồm cấp cao. Những chuyến thăm này đã góp phần duy trì quan hệ truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Trên bình diện đa phương, hai nước có sự trao đổi chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau… Hai bên mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt và thực chất với Armenia, tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, cũng như tiềm năng của hai nước.
Để tăng cường hơn nữa hợp tác về kinh tế - thương mại, đề nghị hai bên phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác sẵn có như Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Armenia về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, xem xét sớm tổ chức khóa họp tiếp theo của Ủy ban; Tận dụng tối đa những lợi thế của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Bên cạnh quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, Việt Nam và Armenia cũng có nhiều tiềm năng hợp tác trong một số lĩnh vực khác như văn hóa, du lịch.