Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 6/6, Quốc hội xem xét, thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án giao thông trọng điểm. Đây đều là các dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sử dụng đa dạng các nguồn vốn (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội quyết định và gói kích thích kinh tế...
Theo kế hoạch, cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ thông qua chủ trương đầu tư của các dự án này.
Chủ trương đầu tư 3 dự án cao tốc (giai đoạn 1)
Sáng 6/6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Theo tờ trình, việc sớm đầu tư 03 dự án là hết sức cấp thiết nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về phạm vi, quy mô đầu tư, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km qua 02 tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe.
Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5km qua 02 tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km qua 04 tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề, đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ: Chính phủ đã xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù, nếu được áp dụng, dự kiến chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành năm 2025; dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành một số đoạn có lưu lượng lớn năm 2025 và toàn tuyến năm 2026.
Thẩm tra chủ trương đầu tư 03 dự án đường bộ cao tốc (giai đoạn 1), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhất trí với sự cần thiết đầu tư 03 Dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình Chính phủ.
Việc đầu tư triển khai 3 dự án phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phù hợp với quy hoạch có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ủy ban Kinh tế đề nghị các địa phương cần cập nhật, cụ thể hóa các Dự án này trong quy hoạch tỉnh để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch, đặc biệt là việc kết nối thuận lợi cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics…; lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.
Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ suất đầu tư và so sánh với các dự án cao tốc tương tự để làm rõ sơ bộ tổng mức đầu tư của các Dự án này; làm rõ hơn các chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa; Đánh giá đầy đủ hơn về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công để có giải pháp kịp thời, đồng bộ; Làm rõ cơ chế hoàn trả đối với tỷ lệ vốn góp của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
2 dự án đường vành đai của vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Thành phố Hồ Chí Minh
Cũng trong sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km).
Dự án đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km). Các tuyến đường theo quy mô quy hoạch 6-8 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị song hành 02 bên.
Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư 2 Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”.
Ủy ban Kinh tế đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chuẩn xác phương án thiết kế của 2 dự án nhằm xác định phương án tối ưu. Chính phủ báo cáo, làm rõ hơn tiến độ đầu tư của tuyến đường. Trong giai đoạn tổ chức thực hiện cần quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh việc tái lấn chiếm quỹ đất đã được thu hồi nhưng chưa xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án.
Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện để bảo đảm được tiến độ hoàn thành 2 Dự án và ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của các Dự án.
Ủy ban Kinh tế đồng thời đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.
Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng cho 2 Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.
Triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhận định: Đường Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Đây là tuyến đường có giá trị lịch sử, là công trình giao thông dài nhất cả nước với 2.363km, điểm nối từ Pác Bó đến mũi Cà Mau, xuyên suốt chiều dài của đất nước. Đường Hồ Chí Minh cũng tạo động lực mở ra sự phát triển xã hội cho nhiều vùng trên cả nước, trong đó có vùng miền núi, dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.
Đường Hồ Chí Minh cũng tạo nên tuyến giao thông song hành với các tuyến đường ven biển và Quốc lộ 1A và để giải quyết các phương án giảm tải giao thông cho tuyến đường ven biển, Quốc lộ 1A cũng như giải quyết những ách tắc trong điều kiện thiên tai, bão lũ cũng như các trường hợp khẩn thiết, khẩn cấp đối với an ninh quốc phòng khi khu vực ven biển bị chia cắt.
Tuy nhiên, hiện công trình mới hoàn thành 86,1% khối lượng, còn 3 tuyến chưa được hoàn thành dưới 171km. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực để giải quyết những vấn đề còn lại cũng như tiếp theo của đường Hồ Chí Minh nhằm bảo đảm tuyến đường vận hành thông suốt.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, các tuyến đường Hồ Chí Minh hầu hết đi qua những đoạn thiên tai, bão lũ, do đó cần phải được xử lý, duy tu, bảo dưỡng kịp thời, đặc biệt là những điểm đen trên tuyến đường giao thông này cần phải được khắc phục.
Nhiều đại biểu khác cùng nhất trí ủng hộ việc Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về chủ trương triển khai dự án đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Các đại biểu cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ để Quốc hội xem xét xác định rõ thời hạn đến năm 2025 hoàn thành dứt điểm các dự án thành phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh; xây dựng, mở rộng các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn miền núi khó khăn, các tuyến đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh.
Chính phủ xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá để thực hiện thí điểm, trình Quốc hội xem xét ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm, đề xuất triển khai cho giai đoạn tiếp theo…