Quốc kỳ Pháp thay đổi mà không ai biết

Màu xanh lam trong ba sọc màu trên quốc kỳ Pháp đã được điều chỉnh thành màu xanh nước biển đậm hơn trong một sự thay đổi tinh tế, nhưng đáng kể.

Tổng thống Emmanuel Macron đã đổi sắc độ màu xanh lam trong ba sọc màu trên quốc kỳ Pháp. Ảnh: AFP

Tổng thống Emmanuel Macron đã đổi sắc độ màu xanh lam trong ba sọc màu trên quốc kỳ Pháp. Ảnh: AFP

Đầu tháng này, các trợ lý của Tổng thống Emmanuel Macron tiết lộ rằng màu xanh lam được sử dụng trên quốc kỳ của Pháp đã thay đổi. Hơn thế nữa, việc chuyển đổi đã diễn ra từ năm ngoái nhưng đến nay không ai nhận ra.

Với sự thay đổi sắc độ của sọc màu xanh lam, quốc kỳ Pháp hiện giống với những lá cờ được sử dụng trong Cách mạng Pháp. Các quan chức mô tả sự thay đổi này là một sự điều chỉnh "thanh lịch hơn".

Pháp đã sử dụng tông màu xanh nhạt hơn và đậm hơn trong nhiều thập kỷ, tùy thuộc vào từng dịp. Tuy nhiên, đây là lần thay đổi màu sắc chính thức đầu tiên kể từ năm 1976, khi Tổng thống Giscard d'Estaing chuyển bảng màu lên để gần với màu xanh của lá cờ Liên minh châu Âu.

Với sự thay đổi như vậy diễn ra từ cuối năm 2021 nhưng Điện Élyseé đã không thông báo công khai về việc thay đổi này, và không có lệnh nào được đưa ra cho các cơ sở khác làm điều tương tự. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi không ai, kể cả người dân Pháp nhận thấy sự thay đổi màu sắc này.

Quốc kỳ Pháp cũ (trái) có màu xanh lam sáng, quốc kỳ mới (phải) có màu xanh hải quân. Ảnh: Reuters

Quốc kỳ Pháp cũ (trái) có màu xanh lam sáng, quốc kỳ mới (phải) có màu xanh hải quân. Ảnh: Reuters

Theo đài Europe 1, quyết định thay đổi sắc độ sọc màu xanh nước biển một phần là do thẩm mỹ, bởi vì các lá cờ của Pháp và châu Âu bay cạnh nhau ở rất nhiều địa điểm. Cũng có một số ý kiến không đồng tình về việc ông Macron đổi lại màu xanh hải quân, với một số người cho rằng màu bóng mới là "xấu xí và sẽ đụng độ với cờ của EU", và những người khác thì hoài niệm về phiên bản trước năm 1976.

Tuy nhiên, tất cả các bên liên quan đều nhấn mạnh rằng sự thay đổi màu sắc không nên được hiểu là "một biểu hiện chống EU", Europe 1 đưa tin, nhất là khi Pháp đảm nhận chức vụ chủ tịch luân phiên của EU vào tháng Giêng.

Việc thay đổi màu sắc trên quốc kỳ không thường xuyên xảy ra ở châu Âu, nhưng khi chúng xảy ra có thể là dấu hiệu của những sự kiện lịch sử nghiêm trọng, những thay đổi chính trị hoặc chỉ đơn thuần là vấn đề thẩm mỹ.

Mỹ Hương (theo Euro News)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quoc-ky-phap-thay-doi-ma-khong-ai-biet-post433009.html