Quốc tế gia tăng nỗ lực hạ nhiệt nguy cơ đối đầu quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan gia tăng sau vụ tấn công đẫm máu tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng hôm 22/4.

Điều này, làm gia tăng lo ngại nguy cơ đụng độ quân sự giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân. Liên hợp quốc và chính phủ nhiều nước đang tích cực các nỗ lực hòa giải và kêu gọi các bên kiềm chế.

Ấn Độ hôm nay (1/5) đã đóng cửa không phận đối với toàn bộ máy bay cả dân sự và quân sự, cũng như các máy bay do các hãng hàng không Pakistan sở hữu, vận hành hoặc thuê. Biện pháp có hiệu lực đến hết ngày 23/05.

Một nhân viên lực lượng an ninh Ấn Độ đứng gác trên phố sau vụ tấn công khách du lịch gần Pahalgam ở phía Nam Kashmir tại Srinagar ngày 29/4. Ảnh: Reuters

Một nhân viên lực lượng an ninh Ấn Độ đứng gác trên phố sau vụ tấn công khách du lịch gần Pahalgam ở phía Nam Kashmir tại Srinagar ngày 29/4. Ảnh: Reuters

Vụ tấn công khủng bố hôm 22/4 khiến 25 công dân Ấn Độ và một công dân Nepal thiệt mạng, cùng nhiều người khác bị thương đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á và đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất kể từ năm 2019. Ấn Độ cáo buộc Pakistan đứng sau vụ tấn công, điều mà Pakistan kiên quyết phủ nhận. Cả hai nước đã hạ cấp quan hệ ngoại giao, đe dọa đình chỉ các hiệp ước song phương và trục xuất công dân của nhau Các cuộc đấu súng nhỏ lẻ cũng đã được ghi nhận dọc Đường Ranh giới kiểm soát (LoC) trong những ngày qua.

Quân đội Pakistan đã đặt các lực lượng vào tình trạng báo động cao, song khẳng định sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân “nếu có mối đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của đất nước". Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngay tuần này cũng đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo cấp cao quân đội và lực lượng an ninh, khẳng định quyết tâm không khoan nhượng trong cuộc chiến chống khủng bố và cho phép quân đội được "tự do hành động" để đáp trả vụ tấn công khủng bố ở Kashmir.

Tại các cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân này. Ông đồng thời đề xuất sử dụng "cơ chế hòa giải" của Liên hợp quốc nhằm hạ nhiệt các bên.

Ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định: “Trong các cuộc điện đàm, Tổng thư ký Liên hợp quốc một lần nữa lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố hôm 22/4 tại Jammu và Kashmir. Tổng thư ký nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi công lý và trách nhiệm giải trình đối với vụ tấn công này thông qua các biện pháp hợp pháp. Ông cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh đối đầu có thể dẫn đến hậu quả bi thảm”.

Chính phủ Trung Quốc hôm qua kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra công bằng về vụ tấn công khủng bố ở Kashmir, đồng thời kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế và nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm căng thẳng.Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ sớm điện đàm với các nhà ngoại giao hàng đầu của cả Ấn Độ và Pakistan để hối thúc hai bên không làm leo thang căng thẳng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết: “Mỹ đang tiếp cận với cả Ấn Độ và Pakistan, kêu gọi các bên không nên làm leo thang tình hình. Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ sớm nói chuyện với các ngoại trưởng Ấn Độ và Pakistan, cũng như khuyến khích các quốc gia khác tham gia vào nỗ lực này”.

Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng chủ yếu nhằm mục đích răn đe. Bất chấp căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ, Ấn Độ và Pakistan vẫn duy trì một hiệp ước quan trọng cấm tấn công các cơ sở hạt nhân của nhau và hàng năm vẫn tiến hành trao đổi danh sách các cơ sở hạt nhân.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quoc-te-gia-tang-no-luc-ha-nhiet-nguy-co-doi-dau-quan-su-giua-an-do-va-pakistan-post1196311.vov