Quốc tế nổi bật: Bất ngờ hai nước lớn chưa muốn NATO kết nạp Ukraine
Lo ngại xung đột toàn diện với Nga, Mỹ và Đức đang phản đối lời kêu gọi kết nạp Ukraine vào NATO.
Mỹ và Đức chưa muốn NATO kết nạp Ukraine
Ba Lan và các nước Baltic coi mở rộng NATO thông qua kết nạp Ukraine là một cách để "làm suy yếu tham vọng của Nga ở Đông Âu". Tuy nhiên, Washington và Berlin cho rằng còn quá sớm để bắt đầu quá trình tiếp nhận Kiev trong khi xung đột Ukraine đang tiếp diễn.
Thay vì để Ukraine gia nhập NATO, cả Đức và Mỹ đều chủ trương tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho nước này. Một trong những lý do dẫn đến chủ trương đó là mối lo ngại rằng trong bối cảnh xung đột đang diễn ra, việc gia nhập liên minh có thể dẫn đến xung đột toàn diện giữa NATO và Nga, thậm chí có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Phản ứng của Iran
Iran đã phản ứng trước cảnh báo trả đũa từ Mỹ sau cuộc tấn công ở Jordan. Các nguồn tin của Iran cho biết Tehran coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ của mình là "ranh giới đỏ" và sẽ phản ứng thích hợp. Họ lưu ý rằng Iran không muốn chiến tranh với Mỹ nhưng sẽ "đối đầu mạnh mẽ" với bất kỳ hành động phiêu lưu nào của Mỹ.
Các quan chức quân sự Iran cũng đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào nước này sẽ nhận sự đáp trả mạnh mẽ. Iran đã chứng tỏ rằng họ sẵn sàng phản ứng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Vào tháng 6/2019, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái do thám của Mỹ xâm nhập ở tỉnh ven biển phía Nam Hormozgan của nước này.
Mỹ xác định cách thức phản ứng sau vụ tấn công ở Jordan
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã có quyết định về việc đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Jordan, tuy nhiên, ông Biden không tiết lộ thêm thông tin về quyết định này. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ thể hiện sự thận trọng về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp quy mô lớn giữa Mỹ và Iran bất chấp việc nhiều thành viên đảng Cộng hòa tại Mỹ đang kêu gọi một hành động đáp trả cứng rắn với Iran. Về phía Iran, nước này luôn bác bỏ việc chỉ đạo các nhóm vũ trang trong khu vực tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ và đồng minh tại Trung Đông.
EU dự kiến khởi động sứ mệnh hải quân ở Biển Đỏ
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các quốc gia thành viên EU dự kiến sẽ khởi động một sứ mệnh hải quân ở Biển Đỏ vào giữa tháng 2 tới, với mục tiêu bảo vệ các tàu hàng khỏi các cuộc tấn công từ lực lượng Houthi ở Yemen.
Phát biểu trước thềm cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng EU, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU cho biết, không phải tất cả các quốc gia thành viên EU đều sẵn sàng tham gia sứ mệnh này, nhưng cũng không có thành viên nào phản đối việc triển khai.
Tòa án Thái Lan ra phán quyết với đảng đối lập lớn nhất
Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 31/1 ra phán quyết rằng đảng Tiến bước (MFP) - đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội nước này - đã vi phạm hiến pháp khi tìm cách thay đổi điều luật chống xúc phạm chế độ quân chủ.
Tòa án Hiến pháp đã ra lệnh cho MFP từ bỏ kế hoạch sửa đổi Điều 112, Bộ luật hình sự Thái Lan hay còn được biết đến là điều luật về tội khi quân, khi cho rằng hành động này của MFP tương đương với nỗ lực "lật đổ chế độ chính quyền dân chủ," do đó vi phạm hiến pháp.
Tân Quốc vương Malaysia đăng quang
Tân Quốc vương Malaysia Sultan Ibrahim ngày 31/01 đã chính thức đăng quang, trở thành Quốc vương thứ 17 của Malaysia. Trước đó, Hội đồng Quân chủ Malaysia hôm 27/10/2023 đã tổ chức phiên họp đặc biệt và bầu chọn Tiểu vương bang Johor Sultan Ibrahim Almarhum Sultan Iskandar làm Quốc vương thứ 17 ở Malaysia. Tân Quốc vương Sultan Ibrahim sinh ngày 22/11/1958 tại bang Johor, lên ngôi Tiểu vương Johor vào ngày 23/1/2010 và chính thức đăng quang ngày 23/3/2015 sau khi Tiểu vương Iskandar qua đời.
Tiết lộ thu nhập của ông Putin trong 6 năm
Báo cáo của Ủy Bầu cử Trung ương Nga cho biết, ông Putin đã nhận được tổng cộng 67,6 triệu Rúp (khoảng 746.000 USD) trong 6 năm qua.
Theo Moscow Times, báo cáo về thu nhập của Tổng thống Vladimir Putin được Ủy ban bầu cử công bố vào ngày 30/1. Thu nhập của chủ nhận Điện Kremlin từ năm 2018-2024 bao gồm tiền lương, thu nhập từ cổ phiếu, lãi suất tiền gửi ngân hàng, lương hưu quân sự và dân sự, cùng với tiền bán một số bất động sản.
Báo cáo tài chính của chủ nhân Điện Kremlin được công bố sau khi ông Putin được xác nhận là ứng viên chính thức cho cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2024. Đây là lần thứ 5 ông Putin tham gia tranh cử Tổng thống trong sự nghiệp.