Quốc tế ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước cho Israel - Palestine
Quan chức cấp cao của nhiều quốc gia ủng hộ giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại và khẳng định người dân Palestine xứng đáng có một nhà nước có chủ quyền.
Ngoại trưởng Pháp ông Stéphane Séjourné ngày 21/1 khẳng định người dân Palestine xứng đáng có một nhà nước có chủ quyền và Pháp sẽ không thay đổi lập trường về giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết phản đối giải pháp lâu dài về một nhà nước Palestine độc lập và đòi hỏi Israel được đảm nhận vấn đề an ninh của Gaza.
Trên mạng xã hội X (Twitter), ông Stéphane Séjourné tái khẳng định Pháp sẽ trung thành với cam kết nỗ lực đạt được một giải pháp chính trị lâu dài với hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại.
Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh điều cấp thiết tại Gaza giờ đây là hỗ trợ nhân đạo và quốc tế cần phải hành động mạnh mẽ để tránh thảm họa tại khu vực. Pháp kêu gọi Israel cần tôn trọng luật pháp quốc tế và việc cưỡng bức người dân Palestine phải rời Gaza sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Pháp.
Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Pháp, nước này sẽ nỗ lực duy trì quan điểm cân bằng để có thể tiếp cận được các bên liên quan bao gồm Israel, Palestine, Mỹ hay các quốc gia trong khu vực. Ngoại trưởng Pháp cũng bày tỏ ra ngại xung đột Israel và Hamas có nguy cơ lan rộng với sự tham gia của lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen, nhất là sau những diễn biến gần đây trên Biển Đỏ.
Ngoại trưởng Pháp cũng cho biết Pháp hiện vẫn chưa có bất cứ thông tin liên quan đến số phận của 3 con tin người Pháp bị lực lượng Hamas bắt cóc kể từ sự kiện 7/10.
Theo dự kiến, Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu hôm nay (22/1) sẽ thăm Israel để bàn về tình hình Gaza, các nỗ lực giải phóng số con tin còn lại, hỗ trợ nhân đạo cũng như biện pháp tránh nguy cơ xung đột lan rộng sang Lebanon và trên Biển Đỏ.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn kênh CNN, Ngoại trưởng Saudi Arabia cho biết không thể có bình thường hóa quan hệ với Israel nếu không giải quyết được vấn đề Palestine. Hoàng tử kiêm Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud cho biết việc giảm leo thang xung đột ở Gaza và ngăn chặn cái chết của dân thường là trọng tâm chính của Saudi Arabia.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cũng tuyên bố "không có cách nào" để giải quyết các thách thức an ninh lâu dài của Israel trong khu vực và những thách thức ngắn hạn trong việc tái thiết Gaza mà không thành lập một nhà nước Palestine.
Theo cơ quan y tế ở Gaza, hơn 25.000 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 62.000 người bị thương trong cuộc tấn công trả đũa của Israel sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua đã lên án Israel về những cái chết "thương tâm" của dân thường Palestine ở Gaza và gọi việc phản đối một nhà nước độc lập cho người dân Palestine là điều không thể chấp nhận được.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G7 và Trung Quốc diễn ra tại thủ đô Campala của Uganda, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước cho người Israel và Palestine:
“Trung Đông là một hộp mồi lửa, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn xung đột bùng phát trên toàn khu vực và cần bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức để giảm bớt đau khổ cho người dân ở Gaza, cho phép viện trợ nhân đạo đến với mọi người dân và tạo điều kiện giải thoát con tin ngay lập tức và vô điều kiện. Việc từ chối quyền thành lập 1 nhà nước của người dân Palestine sẽ kéo dài vô thời hạn cuộc xung đột vốn đang trở thành mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh toàn cầu, làm trầm trọng thêm sự phân cực và khuyến khích con đường cực đoan hóa ở khắp mọi nơi”.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 21/1 bác bỏ các điều kiện do Hamas đưa ra nhằm chấm dứt chiến tranh và thả con tin, trong đó có điều kiện Israel rút quân hoàn toàn và để Hamas nắm quyền ở Gaza.
Nhận vật cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri cho biết việc nhà lãnh đạo Israel từ chối chấm dứt chiến dịch tấn công quân sự ở Gaza "có nghĩa là không có cơ hội trở về cho những con tin người Israel”.
Một thỏa thuận do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian vào cuối tháng 11 năm ngoái đã dẫn tới việc Hamas thả hơn 100 trong số khoảng 240 con tin bị bắt giữ ở Gaza. Kể từ đó, Thủ tướng Netanyahu đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để đảm bảo thả 136 con tin vẫn đang bị giam giữ. Thủ tướng Israel Netanyahu cũng có lập trường mạnh mẽ hơn về vấn đề nhà nước Palestine so với trước đây với tuyên bố sẽ không thỏa hiệp trong việc kiểm soát an ninh toàn diện của Israel đối với tất cả lãnh thổ phía Tây sông Jordan.