Quý 2, TP HCM dự kiến tăng trưởng 5,87% so với cùng kỳ
Đây là 'tin vui' được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ tại phiên thảo luận tổ chiều 30/5 về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, thông tin từ Tổng cục Thống kê, dự kiến trong quý 2/2023, thành phố tăng trưởng 5,87% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó quý 1 chỉ đạt 0,7%. Như vậy, nếu tính cả 6 tháng đầu năm 2023, TP HCM tăng trưởng 3,55%.
Ông Mãi cũng cho hay trong quý 2/2023, tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng dự kiến tăng 4,77%. Tính cả 6 tháng đầu năm khu vực này của TP HCM có thể tăng 0,8%, trong khi quý 1/2023, khu vực này tăng trưởng âm.
Riêng khu vực dịch vụ của TP HCM trong quý 2/2023 dự kiến tăng 7,16%. Tính cả 6 tháng khu vực này có thể tăng 4,96%.
"Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, cơ quan trung ương và các bộ ngành. Kết quả này là rất tích cực", Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Làm tốt cơ chế đặc thù, TP HCM sẽ huy động được hàng trăm nghìn tỷ vốn đầu tư
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi
Lãnh đạo TP HCM cho biết lần này, các cơ chế chính sách chủ yếu tập trung khơi thông nguồn lực xã hội, nguồn lực đầu tư thông qua các hình thức PPP, BOT, BT… hay các cơ chế giúp TP HCM huy động nguồn lực qua phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết lần này đề cập cơ chế, chính sách về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là tiềm lực to lớn và có thể chưa đo đếm được kết quả ngay nhưng sẽ trở thành động lực mới của TP HCM và cả nước.
Riêng chính sách phân cấp, phân quyền và tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động về nhân sự cho TP HCM và TP Thủ Đức, giúp thành phố chủ động hơn, giải quyết các vấn đề nhanh gọn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt nhấn mạnh đến khâu tổ chức thực hiện, Chủ tịch TP HCM nêu bài học kinh nghiệm từ triển khai Nghị quyết 54 năm 2017 và cho biết lần này TP HCM không chờ Quốc hội thông qua mà chủ động phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện các dự thảo nghị định hướng dẫn liên quan. Các đơn vị của TP HCM đã và đang chủ động nghiên cứu triển khai một số cơ chế, chính sách.
Liên quan đến việc triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP HCM đã có kế hoạch cho từng sở ngành đăng ký những việc "dám nghĩ dám làm".
Đề xuất trao năng lực pháp lý để TP HCM tự tổ chức bộ máy phù hợp
Nêu ý kiến liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân - đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau tán thành cơ chế đặc thù cho TP HCM, nhằm tạo điều kiện cho TP HCM có điều kiện để phát triển.
Tuy nhiên, đối với các chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy trao cho TP HCM trong dự thảo nghị quyết lần này, ông Vân cho rằng cần phải bàn thêm.
Đại biểu Lê Thanh Vân - đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Do đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần phải trao cho TP HCM năng lực pháp lý tự tổ chức bộ máy phù hợp trên cơ sở điều kiện của TP HCM và trên cơ sở tiêu chí mà chính TP HCM tự xác định.
"Ngoài một số sở ngành có tính chất cơ sở, thì các thiết chế liên quan văn hóa, kinh tế cần trao cho TP HCM sự năng động để tự tổ chức phù hợp điều kiện thực tiễn. TP HCM cũng nên có quyền linh hoạt định đoạt biên chế để tạo ra bộ máy linh hoạt của họ. Đã trao cơ chế đặc thù, thì cần phải trao cho họ cái quyền khác với các tỉnh, thành khác", đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị.
Mặt khác, đại biểu cũng đề xuất trao cho TP HCM quyền phân cấp cán bộ mạnh hơn. Đơn cử, Trung ương quản lý tới cấp trưởng, cấp phó ở cấp trụ cột, còn cấp dưới như cấp thường vụ nên cho TP HCM tự quyết định và chịu trách nhiệm.
TP HCM là nơi có nền kinh tế năng động, cũng cần được quyền ban hành các cơ chế nổi trội, thậm chí khác với quy định hiện hành để thu hút nhân tài. Trao cho thành phố quyền tự chủ, thu hút nhân tài, có thể thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đại biểu nêu.