Lockheed U-2 được coi là chiếc máy bay do thám biểu tượng của Không lực Mỹ. Loại máy bay này cất cánh lần đầu năm 1955 và đi vào hoạt động năm 1958.
Loại máy bay có thiết kế đặc biệt để có thể bay trong mọi điều kiện thời tiết, trên một trần bay lớn, nơi mà hệ thống đánh chặn của đối phương khó lòng vươn tới.
Ra đời cách đây hơn nửa thập kỷ, trinh sát cơ U-2 đã giúp Mỹ theo dõi mọi động tĩnh của các quốc gia đối địch trong vòng hơn gần 70 năm qua.
Những chiếc U-2 suýt bị khai tử bởi máy bay do thám không người lái Global Hawk 30.
Tuy nhiên sau khi đánh giá và xem xét, Không lực Mỹ vẫn tiếp tục giữ lại chiếc máy bay có biệt hiệu Dragon Lady (Quý bà rồng) vốn là biểu tượng của họ trong Chiến tranh lạnh.
Được đánh giá là con mắt thần của Mỹ, nó được trang bị những thiết bị điện tử hiện đại.
Tuy ra đời từ rất lâu, nhưng những chương trình hiện đại hóa vẫn được cập nhật liên tục giúp cho những chiếc máy bay do thám già cỗi vẫn thể hiện tốt chức năng của mình trong chiến trường hiện đại.
Ngoài việc tích hợp các hệ thống điện tử tối tân, khung thân của chiếc U-2 cũng được kiểm tra và thay thế những chi tiết lão hóa.
Những chiếc U-2 hiện nay có khả năng tối ưu hóa hoạt động cao hơn, chúng có thể kết nối trực tiếp với mặt đất để cung cấp thông tin do thám và tình báo một cách nhanh chóng, đồng thời giúp xử lý các tình huống cơ động hơn.
Về thiết kế của U-2, nó là loại máy bay do thám một chỗ ngồi (phiên bản huấn luyện có 2 chỗ ngồi), một động cơ, hoạt động ở độ cao lớn, làm nhiệm vụ trinh sát.
Thân dài, cánh rộng và có cấu tạo giống như tàu lượn cùng với hệ thống cảm biến, camera độ nét cao, có thể nói U-2 là một trong những máy bay trinh sát thành công nhất của quân đội Mỹ.
Tuy thế những chiếc U-2 cũng nổi tiếng là loại máy bay rất khó điều khiển, phi công lái phải mặc bộ đồ kháng áp như những phi hành gia.
Tai nạn mới nhất của U-2 diễn ra vào ngày 20-9-2016 làm một phi công thiệt mạng và người còn lại bị thương tại California.
Được biết chiếc máy bay gặp nạn là phiên bản huấn luyện hai chỗ ngồi.
Những biến thể U-2 đầu tiên sử dụng động cơ turbin phản lực Pratt & Whitney J57.
Các biến thể U-2C và TR-1A sử dụng động cơ turbin phản lực Pratt & Whitney J75 mạnh hơn. Các biến thể U-2S và TU-2S còn sử dụng động cơ turbin cánh quạt General Electric F118 mạnh hơn nữa.
Những chiếc U-2 có thể đạt vận tốc mach 0.75 tức 760 km/h.
U-2 có chiều dài 19,2 mét, sải cánh lên tới 31 mét, chiều cao 4,8 mét.
Cánh có tỷ lệ độ dài trên chiều rộng lớn, khiến chiếc U-2 có một số đặc điểm kiểu tàu lượn, với tỷ lệ lực nâng trên lực cản ước tính ở mức cao: 20 lần.
U-2 có trọng lượng rỗng 7.257 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 18.144 kg.
Để duy trì trần hoạt động 24.000 mét một số biến thể U-2 phải bay ở gần mức tốc độ tối đa.
Tổn hại duy nhất bởi phòng không đối phương diễn ra vào ngày 1-5-1960, khi đó chiếc U-2 được điều khiển bởi phi công Francis Gary Powers đã bị tên lửa Liên Xô bắn hạ.
Mãi sau này khi tài liệu được giải mật cho biết, điệp viên Liên Xô đã bí mật cài thiết bị đo độ cao sai lệch khiến chiếc U-2 của Powers bay thấp hơn thường lệ, vì thế đã bị tên lửa phòng không Liên Xô bắn hạ.
Những chiếc U-2 có thể hoạt động liên tục trên không trong suốt 12 tiếng đồng hồ.
Để hỗ trợ phi công, chiếc máy bay đang hạ cánh được chỉ đạo tốc độ bởi một chiếc xe có thể chạy tốc độ cao như Ford Mustang SSP, Chevrolet Camaro B4C, hay một chiếc Pontiac GTO.
Trong xe có một người hỗ trợ phi công hạ cánh bằng cách thông báo độ cao đang giảm của chiếc máy bay trong khi nó giảm tốc độ.
Hiện nay phi đội U-2 của Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động và chưa có dấu hiệu sẽ bị cho nghỉ hưu.