Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa - nguồn lực cho phát triển bền vững
Thanh Hóa có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 600.000 ha, trong đó có 375.806 ha tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Qua 8 năm triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh, tổng số tiền thu về quỹ khoảng 175 tỷ đồng, bước đầu đã tạo nguồn lực quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR).
Công nhân Ban Quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân và người dân chăm sóc rừng trồng tại xã Luận Khê (Thường Xuân). Ảnh: Thùy Dương
Ngoài các giá trị cung ứng lâm sản, tạo ra sinh kế cho người dân miền núi, rừng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất, điều hòa khí hậu, tạo ra cảnh quan môi trường sinh thái, hấp thụ khí CO2 và tạo ra giá trị dịch vụ hệ sinh thái... Do đó, người sử dụng DVMTR và các nhà máy, cơ sở sản xuất hưởng lợi trực tiếp, gián tiếp các giá trị tạo ra từ rừng và các dự án gây mất rừng phải có trách nhiệm chi trả và bù đắp cho các chủ rừng, những người đã đầu tư tiền của, công sức để BV&PTR để tái tạo các giá trị đó.
Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cá nhân hưởng lợi từ DVMTR như: thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trong quá trình sản xuất hoặc các nhà máy phát thải khí CO2,... phải chi trả DVMTR. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta đã triển khai 3 loại hình dịch vụ với mức chi trả theo quy định là: thủy điện 36 đồng/KWh; nước sạch 52 đồng/m3, nước công nghiệp 50 đồng/m3 nước sạch và du lịch tối thiểu là 1% doanh thu. Nguồn thu này được cơ cấu trong giá thành sản xuất, nộp ủy thác vào Ban Quản lý (BQL) Quỹ BV&PTR và phòng chống thiên tai tỉnh để chi trả cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và tạo ra thu nhập ổn định đời sống người làm nghề rừng. Đối với các dự án gây mất rừng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, chủ dự án phải thực hiện trách nhiệm trồng bù rừng hoặc nộp tiền ủy thác trồng rừng thay thế về BQL Quỹ BV&PTR và phòng chống thiên tai tỉnh, mức nộp đối với rừng sản xuất 43,64 triệu đồng/ha; rừng đặc dụng, phòng hộ 46,65 triệu đồng/ha.
BQL Quỹ BV&PTR và phòng chống thiên tai tỉnh được thành lập tại Quyết định số 1822/QĐ-UBND ngày 14-6-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; năm 2016, bộ máy điều hành Quỹ BV&PTR được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định kiện toàn, bổ sung nhiệm vụ và đổi tên thành BQL Quỹ BV&PTR và Phòng, chống thiên tai (tại Quyết định số 215/QĐ-UBND ngày 18-1-2016) (sau đây gọi tắt là BQL quỹ). Bộ máy tổ chức quản lý của BQL quỹ, bao gồm: Hội đồng quản lý, ban kiểm soát và BQL quỹ. Với chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận nguồn tài chính hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, huy động và tiếp nhận nguồn vốn ủy thác, các khoản đóng góp bắt buộc, các nguồn viện trợ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tạo nguồn vốn, từ đó thực hiện chi trả DVMTR, trồng rừng thay thế và hỗ trợ các chương trình, dự án và các hoạt động phi dự án.
Ngay sau khi thành lập, cùng với việc ổn định về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, tìm hiểu về chính sách và cách thức vận hành quỹ, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực; BQL quỹ đã tiến hành rà soát, tham mưu cho Hội đồng quản lý quỹ trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt danh sách các đối tượng phải chi trả, mức chi trả, thời điểm chi trả tiền DVMTR trên địa bàn; tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai chính sách và ký các hợp đồng ủy thác với các bên sử dụng DVMTR. Từ năm 2013 đến nay, BQL quỹ đã tham mưu và trực tiếp đàm phán ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 28 doanh nghiệp có sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tham mưu cho Quỹ BV&PTR Việt Nam ký kết 9 hợp đồng với các nhà máy thủy điện có lưu vực liên tỉnh (Cửa Đạt, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Dốc Cáy, Bái Thượng, Trung Sơn, Thành Sơn, Xuân Minh và Hồi Xuân); trực tiếp ký 19 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR, bao gồm: 3 hợp đồng với các nhà máy thủy điện có lưu vực nội tỉnh (Sông Mực, Trí Năng, Trung Xuân); 5 hợp đồng với các nhà máy sản xuất và cung ứng nước sạch; 1 hợp đồng với đơn vị sử dụng DVMTR loại hình dịch vụ du lịch; 10 hợp đồng với các nhà máy sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước trực tiếp. Hằng năm, các nhà máy, cơ sở sản xuất nộp tiền ủy thác về BQL quỹ với số tiền thu được từ tiền DVMTR từ 15 đến 20 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó BQL quỹ đã tham mưu thực hiện Đề án trồng rừng thay thế theo Quyết định số 829/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các thông tư hướng dẫn thực hiện trồng rừng thay thế; từ 2014-2020, UBND tỉnh đã phê duyệt 198 phương án trồng rừng thay thế từ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo hình thức nộp tiền ủy thác về BQL quỹ.
Giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 11-2020, tổng số tiền thu được từ hai nguồn thu nêu trên về BQL quỹ của tỉnh đạt hơn 175 tỷ đồng, trong đó tiền thu từ DVMTR là 104 tỷ đồng, tiền thu từ trồng rừng thay thế là 71 tỷ đồng. Nhìn chung, các cơ sở sử dụng DVMTR và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong việc nộp tiền ủy thác về BQL quỹ.
Sau khi tiếp nhận nguồn thu, BQL quỹ đã tham mưu thực hiện kịp thời công tác giải ngân thanh toán tiền DVMTR và tổ chức trồng rừng thay thế. Để thực hiện tốt công tác này, BQL quỹ đã phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng mạng lưới chi trả ở cơ sở, hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả DVMTR. BQL quỹ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và giám sát nhằm sớm phát hiện, xử lý những bất cập, thiếu sót trong thực hiện chính sách, nhất là việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng là tổ chức, UBND các xã và BQL các thôn, bản. Giai đoạn 2012-2020, BQL quỹ đã chi trả tiền DVMTR kịp thời cho 375.806 ha rừng tại lưu vực của 10 nhà máy thủy điện: Cửa Đạt, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Dốc Cáy, Bái Thượng, Trung Sơn, Thành Sơn, Xuân Minh, Sông Mực, Trí Năng cho 22 chủ rừng là tổ chức, 20 tổ chức không phải là chủ rừng (diện tích do UBND xã tạm quản lý), 501 cộng đồng thôn, bản và 1.744 hộ gia đình, cá nhân, góp phần giúp các chủ rừng thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ rừng, tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân miền núi.
Về triển khai công tác trồng rừng thay thế: Trong 7 năm (2014-2020), BQL quỹ đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ vốn trồng rừng thay thế để trồng 6.798 ha với tổng số vốn giao cho các BQL dự án ở cơ sở là 63,8 tỷ đồng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển rừng trên địa bàn. Đến nay, các đơn vị, địa phương đã triển khai trồng được 5.460 ha rừng sản xuất và 1.232 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, đạt 98,66% diện tích trồng rừng theo kế hoạch tỉnh giao. Với kết quả nêu trên, tỉnh ta đã thực hiện đạt 195% so với kế hoạch trồng rừng thay thế Bộ NN&PTNT giao tại Quyết định số 829/QĐ-BNNPTNT.
Thực tế sau 8 năm triển khai BQL Quỹ BV&PTR và phòng, chống thiên tai gắn với thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết, điển hình như thủy điện là nguồn thu chính của tiền DVMTR hiện nay (chiếm tới trên 90% số thu), trong khi đó Thanh Hóa là tỉnh có rất ít các công trình thủy điện, nên nguồn thu từ dịch vụ này đạt rất thấp. Bởi vậy, mức chi trả bình quân đối với phần diện tích thuộc lưu vực Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt đạt từ 50.000 đến 70.000 đồng/ha/năm; lưu vực của Nhà máy Thủy điện Sông Mực, Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2, mức chi trả được xác định rất thấp (khoảng 2.000 - 5.000 đồng/ha/năm), trong khi đó định mức Nhà nước đưa ra có sự lồng ghép với các chính sách khác của Nhà nước ở mức tối thiểu khoảng 400.000 đồng/ha/năm, đang là một khó khăn lớn khi triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Bên cạnh đó, có những bất cập về cơ chế hưởng lợi: theo nguyên tắc, tiền DVMTR thu được chỉ thực hiện chi trả cho diện tích rừng nằm trong lưu vực, những diện tích nằm liền kề phía ngoài hoặc ngay bên dưới hạ lưu của các nhà máy thủy điện không được nhận tiền chi trả, việc này sẽ ảnh hưởng khi triển khai chính sách trên diện rộng. Bên cạnh đó, một số quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ như dịch vụ nước cho nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các bon rừng,... chưa có văn bản hướng dẫn nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện.
Để chính sách chi trả DVMTR ngày càng thiết thực, hiệu quả, ngoài chủ động nỗ lực của cán bộ, nhân viên BQL Quỹ BV&PTR và Phòng, chống thiên tai Thanh Hóa, sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn của UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT, các cấp, các ngành liên quan trong khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Trước mắt cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và lồng ghép các chương trình, dự án để đảm bảo mức chi trả tối thiểu là 400.000 đồng/ha cho tất cả diện tích rừng đã giao quản lý, không phân biệt trong hay ngoài lưu vực chi trả. Đồng thời, cần tiếp tục quy định mức thu, đối tượng thu, thời điểm thu đối với các loại hình dịch vụ đã được ghi nhận tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP nhằm gia tăng nguồn thu về BQL quỹ, góp phần để BQL Quỹ BV&PTR và Phòng, chống thiên tai Thanh Hóa và chính sách chi trả DVMTR thực sự là một nguồn lực mới, tạo động lực bền vững cho phát triển lâm nghiệp của tỉnh nhà.