Quỹ bình ổn giá xăng dầu...'bất ổn': Trách nhiệm thuộc về ai?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc giao Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho doanh nghiệp đã dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không tuân thủ quy định về Quỹ. Thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã 'mượn tạm' Quỹ này để bù đắp, có doanh nghiệp chiếm dụng Quỹ để thế chấp ngân hàng...
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân được thu qua giá bán lẻ xăng dầu nhằm mục tiêu bình ổn giá. Tuy nhiên, thời gian qua, việc sử dụng, quản lý Quỹ này đang rất lộn xộn, thiếu nguyên tắc, thiếu giám sát. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo Điện tử VOV có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề này.
PV: Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân đóng góp khi mua xăng dầu. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lại lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt Quỹ, bất chấp Kiểm toán Nhà nước đã nhiều lần cảnh báo. Điều gì khiến Quỹ bình ổn giá xăng dầu... trở nên "bất ổn" như vậy, thưa ông?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Khi xây dựng Luật giá, trong đó có nội dung về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tôi đã nêu ý kiến về sự cần thiết duy trì quỹ này để kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu, tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Tuy nhiên, đến giờ này, tôi vẫn quan điểm không chấp nhận giao Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền đóng góp của người dân, nhưng doanh nghiệp quản lý lại dùng tiền vào mục đích khác là không công bằng. Chính việc giao quỹ cho doanh nghiệp nên mới dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không tuân thủ quy định về Quỹ bình ổn xăng dầu như: không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ, không kết chuyển số dư quỹ vào tài khoản ngân hàng. Thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã “mượn tạm” Quỹ bình ổn xăng dầu để bù đắp; có doanh nghiệp chiếm dụng quỹ để thế chấp ngân hàng.
Những vi phạm này đặt ra câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm nếu Quỹ bình ổn giá xăng dầu bị mất, liên bộ Tài chính – Công Thương cần có câu trả lời cho vấn đề này. Do vậy, tôi vẫn bảo lưu Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần giao cho nhà nước quản lý dưới sử điều hành của Bộ Tài chính (là đầu mối) phối hợp với Bộ Công Thương để quản lý quỹ này, để khi giá xăng dầu biến động mạnh còn có quỹ để điều tiết.
PV: Thưa ông, đối với những doanh nghiệp bị “điểm mặt chỉ tên” vì vi phạm Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần có những chế tài xử lý như thế nào để ngăn chặn hành vi này?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Việc giao Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho doanh nghiệp dẫn đến rất nhiều hệ lụy như tôi đã phân tích ở trên. Do vậy, Bộ Tài chính – Bộ Công Thương cần tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp để quản lý chặt chẽ quỹ này. Còn đối với những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có các vi phạm về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cơ quan công an cần vào cuộc điều tra, nếu sai phạm nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.
Song cũng phải nói lại do những bất cập trong việc giao Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho doanh nghiệp nên họ mới có “điều kiện” để thực hiện những hành vi vi phạm. Tất nhiên, khi giao quỹ này cho doanh nghiệp cũng có những điều kiện rõ ràng, cụ thể, nhưng trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng vốn mà lại có tiền kế bên thì việc “mượn tạm” là điều rất dễ xảy ra. Đây cũng là phần lỗi của cơ quan quản lý nhà nước khi “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp vi phạm.
"BIDV phong tỏa tài khoản của Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp để cấn trừ nợ là hành vi vi phạm pháp luật"
PV: Thời gian vừa qua, việc Ngân hàng BIDV Long Biên tự cấn trừ 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp xăng dầu Hải Hà được dư luận rất quan tâm. Việc trích nợ của ngân hàng từ tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu là không đúng quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, nhưng theo ông, liệu rằng một ngân hàng lớn như BIDV không biết việc này không?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Việc giám sát, kiểm tra số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp là trách nhiệm của liên bộ Tài chính – Công Thương. Hàng tháng, doanh nghiệp gửi báo cáo số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu về Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Theo quan điểm của tôi, việc Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà vừa bị Ngân hàng BIDV cấn nợ 270 tỷ đồng bằng cách tự trích tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu bên trong còn nhiều góc khuất cần được làm rõ. Tại sao Bộ Tài chính lại có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị phối hợp, chỉ đạo, giải quyết vấn đề này, nhưng đến nay, BIDV vẫn im lặng, không đưa ra bình luận về việc này. Tôi nghĩ rằng một ngân hàng lớn như BIDV họ thừa biết không được phép tự động cấn nợ thuộc tài khoản quỹ bình ổn xăng dầu, do vậy phải xem xét thực tế nội tình bên trong để nhanh chóng hoàn trả lại số tiền Quỹ bình ổn xăng dầu để thực hiện mục tiêu bình ổn giá. Thực tế trường hợp này cũng cần phải làm rõ xem có sự móc nối, sân sau, tình cảm thân quen để dẫn tới hành động này hay không?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân được thu qua giá bán lẻ xăng dầu nhằm mục tiêu bình ổn giá. Quỹ này hiện được điều chỉnh bởi quy định tại Thông tư 103/2021 của Bộ Tài chính. Thông tư này nêu rõ toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Việc chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Khoản 26, Điều 1 Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cũng đã nêu rõ nguyên tắc này. Cho nên tất cả việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu trái với quy định tại thông tư này đều là sử dụng sai mục đích.
Do vậy, việc ngân hàng BIDV phong tỏa tài khoản của quỹ bình ổn giá này của doanh nghiệp để cấn trừ nợ là hành vi vi phạm pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông!