Quy cách trưng bày, tôn trí tượng Phật và Bồ-tát

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1292 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1292 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

GNO - Tôi vừa làm xong một căn nhà mát để uống trà, đọc sách và nghỉ ngơi, bên cạnh là hồ cá nhỏ có hòn non bộ. Tôi muốn tôn trí trên non bộ một pho tượng Bồ-tát Quán Âm. Tôi có tạo dựng một căn phòng riêng dùng đọc sách, ngồi thiền, uống trà, nghe pháp và thư giãn. Tôi muốn tôn trí hai pho tượng Phật và Bồ-tát Quán Âm. Xin hỏi, chúng tôi có được phép tôn trí các tượng Phật, Bồ-tát ngoài phòng thờ của gia đình không? Nếu được thì quy cách thế nào? Có cần lễ nghi an vị hay thờ cúng gì không?

(NAM VŨ, namv…@gmail.com; DIỆU TRANG, ngthinha…@gmail.com)

Bạn Nam Vũ và Diệu Trang thân mến!

Vì phong tục của người Việt thường thiết kế phòng thờ ở tầng thượng (nhà phố) hay gian giữa (nhà ba gian) khá cách biệt với không gian sinh hoạt chung của gia đình nhằm thể hiện lòng tôn kính, nơi thờ phụng cần trang nghiêm và thanh tịnh nên tôn trí các pho tượng, tranh ảnh Phật và Bồ-tát ngoài phòng thờ chính của gia đình cũng là điều hay. Nhờ đó, các thành viên trong gia đình có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ với các Ngài nhiều hơn, nhắc nhở mình là Phật tử, luôn hướng về Phật và Bồ-tát, nguyện học theo công hạnh từ bi - trí tuệ của các Ngài.

Với hòn non bộ, bạn cần thỉnh một pho tượng Bồ-tát ưng ý (nhìn vào sinh tâm tôn kính và hoan hỷ), kích thước phù hợp, rồi tôn trí Ngài lên non bộ. Với phòng sách-thiền-trà cũng vậy, bạn cũng đem tượng Phật và Bồ-tát tôn trí vào nơi mà bạn cảm thấy thích hợp, hài lòng nhất. Gần như không phải theo quy cách nào cả, chỉ cần nơi tôn trí các Ngài cao hơn chỗ các bạn ngồi và dễ nhìn thấy là được.

Cũng không cần an vị hay thờ cúng, sau khi tôn trí xong, bạn nên thành tâm chắp tay xá các Ngài, thầm niệm mong chư Phật, Bồ-tát gia hộ, soi sáng cho mình luôn sống thiện lành theo Chánh pháp. Dù không phải thờ cúng (như phòng thờ Phật và gia tiên) nhưng các bạn có thể dâng cúng các Ngài những gì mình có trong những lúc đủ duyên. Đơn cử như pha trà xong, bạn rót một ly dâng lên Ngài, sau đó mới dùng. Hoặc lúc đốt một khúc trầm cho tâm hồn thư thái, tâm nghĩ tưởng đến hương giới, hương định, hương tuệ… dâng lên các Ngài. Hoặc hái một vài cánh hoa trong vườn cung kính để dưới tôn tượng. Tất cả những việc này đều là cúng dường thanh tịnh, nhờ đó mà tăng trưởng phước đức.

Một điều nhỏ cần lưu ý là căn nhà mát, hồ cá và non bộ có thể làm nơi tiếp khách, trà nước, chuyện trò nhưng cần yên tĩnh, hạn chế việc tổ chức tiệc tùng ăn nhậu xô bồ. Phòng sách-thiền-trà cũng vậy, cần yên tĩnh để di dưỡng tinh thần, nghỉ ngơi thư giãn và chiêm nghiệm những giá trị sâu xa của đời sống. Chúng ta đã có phòng ăn, phòng ngủ nhằm nâng cao sức khỏe thể chất thì phòng sách, nhà trà cần xem như nơi chăm dưỡng tinh thần, thư giãn, giảm bớt căng thẳng, lo toan, áp lực trong cuộc sống.

Tinh thần là phần quan trọng của đời sống con người. Thân thể cần ăn uống, thuốc men, nghỉ ngơi để hồi phục thì tinh thần cũng vậy, cần được thư giãn và thanh tẩy. Các bạn đã biết quan tâm và có điều kiện để chăm dưỡng tinh thần là một phước báu lớn. Đây cũng là tiền đề để các bạn có thể tiếp cận và tiến sâu vào tâm linh.

Chúc các bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/quy-cach-trung-bay-ton-tri-tuong-phat-va-bo-tat-post75238.html