Quỹ CERF Liên hợp quốc dành 15 triệu USD hỗ trợ các nước chống dịch COVID-19
Cơ quan hỗ trợ thảm họa nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết sẽ dành 15 triệu USD từ Quỹ Ứng phó Trường hợp khẩn cấp (CERF) để giúp toàn thế giới ngăn chặn virus COVID-19.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nâng mức cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 lên mức “rất cao” (mức cao nhất về cảnh báo nguy cơ). WHO cho biết vẫn còn cơ hội khống chế virus nếu ngăn ngừa được đường dây truyền dịch.
Các ca nhiễm tăng vọt ở Ý, Iran và Hàn Quốc rất đáng quan ngại. Hiện giờ dịch từ Iran đã lan sang cả Bahrain, Iraq, Kuwait và Oman, cùng với các ca bệnh ở Algeria, Áo, Croatia, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ do có tiền sử từng tiếp xúc với ca nhiễm ở Ý hoặc vừa từ Ý trở về.
Quỹ LHQ đã được phân bổ tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF). Quỹ này sẽ tài trợ các hoạt động cần thiết bao gồm kiểm soát sự lây lan của virus, điều tra nghiên cứu các ca bệnh, và các hoạt động phòng thí nghiệm ở cấp quốc gia.
WHO đã kêu gọi 675 triệu USD cho hoạt động phòng chống COVID-19. Cửa sổ cơ hội vẫn còn mở ra để khống chế sự lây lan của virus nếu các quốc gia có các biện pháp triệt để phát hiện sớm ca nhiễm, cách ly và điều trị bệnh nhân hiệu quả, đồng thời truy tìm những người từng tiếp xúc với ca nhiễm để tiến hành các biện pháp cách ly cần thiết.
Điều phối viên về cứu trợ khẩn cấp về các hoạt động nhân đạo Mark Lowcock cho biết cần có hành động mạnh và mau lẹ để phát hiện sớm các ca nhiễm, cách ly và điều trị, phải hành động ngay trước khi virus đặt thêm nhiều mạng sống vào hiểm nguy.
"Khoản phân bổ này từ Quỹ Khẩn cấp LHQ sẽ giúp các quốc gia có hệ thống y tế dễ bị tổn thương nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh và phát hiện sớm các ca bệnh".
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết khả năng lây lan virus tới các nước có hệ thống y tế dễ bị tổn thương là một trong những mối quan ngại lớn nhất. Khoản ngân sách sẽ hỗ trợ các quốc gia sẵn sàng phát hiện và cách ly, phòng hộ cho nhân viên y tế, và điều trị đúng cách cho người bệnh. Nó sẽ góp phần cứu mạng và đẩy lùi dịch COVID-19.
UNICEF đang đi đầu trong hành động dự phòng ở cộng đồng tại các quốc gia ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như truyền thông về nguy cơ dịch bệnh, cung cấp dung dịch sát khuẩn và dụng cụ y tế tới các trường học và các phòng khám sức khỏe, kiểm soát tác động của dịch bệnh qua việc hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và xã hội.
"Ở thời điểm then chốt này, chúng ta cần phải thực hiện mọi nỗ lực để đẩy lùi dịch bệnh", Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết. "Các khoản ngân sách quan trọng này sẽ hỗ trợ nỗ lực toàn cầu để tăng cường năng lực cho các hệ thống y tế yếu kém hơn và truyền thông tới các gia đình, trẻ em và phụ nữ mang thai cách tự bảo vệ bản thân mình."
Kể từ khi thành lập vào năm 2006, Quỹ CERF đã dành 6 tỷ USD cho hơn 100 quốc gia và giúp đỡ hàng trăm triệu người.
Bích Vân
(theo WHO)