Quý Châu: Từ nơi nghèo nàn đến trung tâm dữ liệu của Trung Quốc
Tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), từ một vùng núi đá vôi loay hoay với bài toán phát triển, đã 'thay da đổi thịt' nhờ phát triển kinh tế dữ liệu với các trung tâm big-data đặt trong hang động.
Lợi thế sinh thái “độc nhất vô nhị”
“Thung lũng dữ liệu lớn” là cái tên người Trung Quốc đặt cho tỉnh miền núi Quý Châu phía Tây Nam đất nước, nơi có hơn 5.000 hang động đá vôi cùng hệ thống hang ngầm rộng lớn chưa được biết đến, là kết quả của những đợt thay đổi địa chất ở khu vực trong suốt hàng trăm triệu năm.
Song song với việc thúc đẩy du lịch trải nghiệm hoang sơ của các hang động, Quý Châu đã tận dụng không gian tiền sử này để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số tập trung vào dữ liệu lớn, với các trung tâm máy chủ và thị trường trao đổi dữ liệu của Big Tech.
Bộ Công nghiệp CNTT Trung Quốc nói rằng Quý Châu là địa điểm tốt nhất để xây dựng các trung tâm dữ liệu ở miền Nam nước này. Những hang đá vôi, yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của tỉnh, trở thành môi trường hoàn hảo cho cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn.
Terry Gou, chủ tịch Hon Hai Precision Industry, cũng chính là Foxconn - nhà lắp ráp điện tử hợp đồng lớn nhất thế giới nói rằng “lợi thế sinh thái vô song của Quý Châu là lý do công ty này chọn đặt trung tâm dữ liệu tại đây”. Gã khổng lồ công nghệ này đã xây dựng một đường hầm gió nằm giữa hai ngọn núi để làm mát tự nhiên các máy chủ của họ.
Với vị trí địa lý nằm trong nội địa phía Tây Nam Trung Quốc, Quý Châu có khí hậu mát mẻ thuận lợi quanh năm, cung cấp những “căn phòng điều hòa” tự nhiên cho những trung tâm dữ liệu phát nhiệt khổng lồ.
Không chỉ vậy, tỉnh này còn giàu thủy điện, sẵn sàng cung cấp năng lượng sạch và ổn định cho các máy chủ. Quý Châu cũng nằm cách xa các vành đai động đất nên “hồ chứa” dữ liệu càng được đảm bảo an toàn.
Các trung tâm dữ liệu trong hang có thể tiết kiệm lên đến 58% điện năng so với các cơ sở tương tự ở khu vực phía Đông Nam đất nước.
Jiao Delu, kỹ sư trưởng của cơ quan quản lý phát triển big-data tỉnh cho hay, nếu tính theo 10.000 đơn vị máy chủ tiêu chuẩn, một trung tâm dữ liệu có thể cắt giảm 130 triệu NDT (khoảng 18,57 triệu USD) tiền điện hằng năm.
Tencent, một trong những doanh nghiệp công nghệ đặt trung tâm máy chủ tại Quý Châu, cho biết cơ sở của họ được lấy cảm hứng từ các hang núi, tận dụng hiệu quả nguồn lạnh từ bên ngoài, trong khi vẫn hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường bên trong.
Kết quả kiểm tra tại chỗ do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc tiến hành, hiệu quả sử dụng năng lượng tối đa (PUE) của trung tâm dữ liệu đặt tại đây đạt khoảng 1,1 (càng gần 1 thì càng hiệu quả), so với PUE trung bình của các trung tâm khác tại Trung Quốc là 1,73.
Hiện toàn tỉnh có 37 trung tâm dữ liệu đang hoạt động hoặc đang được xây dựng phục vụ cho các gã khổng lồ công nghệ như Apple, Huawei và Tencent, cũng như các dự án nghiên cứu khoa học kính thiên văn “Hoa Thiên Nhãn”. Trong đó, thành phố Quý Dương trực thuộc tỉnh, là khu thí điểm toàn diện về dữ liệu lớn quốc gia đầu tiên của đất nước.
Thay đổi diện mạo kinh tế vùng cao
Quý Châu thúc đẩy ngành công nghiệp dữ liệu lớn (big-data) làm xương sống của nền kinh tế kỹ thuật số, bộ phận đóng góp 37% GDP toàn tỉnh trong năm 2022.
Đây cũng là địa phương dẫn đầu Trung Quốc về kinh tế số, có tốc độ tăng trưởng cao nhất đại lục trong bảy năm liên tiếp.
Kể từ năm 2014, tỉnh miền núi này đã thúc đẩy nhiều đổi mới và phát triển đột phá về ngành công nghiệp dữ liệu. Theo báo cáo của Trung tâm thông tin nhà nước Trung Quốc, Quý Châu là địa phương đạt điểm cao nhất về phát triển big-data vào năm 2017.
Năm 2018, chính phủ phát động sáng kiến quy mô lớn kêu gọi hơn 10.000 doanh nghiệp sử dụng công nghệ dữ liệu lớn để cải thiện mạng lưới và dịch vụ trong vòng 5 năm, ước tính tạo ra thị trường trị giá 120 tỷ USD. Từ chỗ chỉ có chưa đến 1.000 doanh nghiệp big-data, hiện nay con số này tại tỉnh đã tăng hơn 12.000 công ty.
Quý Châu là nơi đặt phòng thí nghiệm kỹ thuật dữ liệu lớn quốc gia và là thị trường big-data đầu tiên của Trung Quốc, quy tụ các trung tâm dữ liệu siêu lớn của thế giới.
Chính quyền địa phương ước tính đến năm 2023, tổng giá trị đầu ra của lĩnh vực điện tử và thông tin hỗ trợ bởi big-data sẽ vượt mốc 350 tỷ NDT, đóng góp vào nền kinh tế số chiếm 50% GDP toàn tỉnh.
Luo Dan, nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, cho biết các trung tâm dữ liệu xử lý việc tiếp nhận, lưu trữ và truyền các luồng dữ liệu, trở thành một trong những cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng nhất trong nền kinh tế kỹ thuật số.
“Việc xây dựng trung tâm khổng lồ tiêu thụ nhiều năng lượng bên trong các hang động có ý nghĩa to lớn trong việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon song song kế hoạch Trung Quốc kỹ thuật số đã được đưa ra”, Luo khẳng định.
Không chỉ vậy, các trung tâm dữ liệu mọc lên kéo theo sự phát triển của mạng lưới Internet băng thông tốc độ cao, giúp địa phương đạt tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hằng năm 30%, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp nông nghiệp ở Trung Quốc.
Hiện tại, cả ba nhà mạng lớn của Trung Quốc, cũng như Apple, Huawei, Tencent và Foxconn đều quyết định xây dựng trung tâm dữ liệu lõi của họ tại Quý Châu.
Chính quyền địa phương tại đây đã xây dựng nền tảng sử dụng công nghệ big-data để giải quyết những bài toán đặc thù ở các khu vực cụ thể. Chẳng hạn, nền tảng xóa đói giảm nghèo được kết nối giữa các sở ban ngành cấp tỉnh và thành phố, hiển thị trực quan thông tin chi tiết về số hộ nghèo, chia sẻ thông tin theo thời gian thực giữa các bộ phận hành chính, hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua ứng dụng đám mây big-data.
Có thể nói, dữ liệu đã trở thành “bí quyết” tạo nên sự thay đổi và phát triển của tỉnh Quý Châu, nơi đang được so sánh có điểm tương đồng với khu vực Bắc California trước khi trở thành thung lũng Silicon ngày nay.
(Theo cnn, news.cn)