Quy chế sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần mới bị đuổi học có phù hợp?

Theo luật sư, Trường Đại học không phải là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, không có thẩm quyền để đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mại dâm do sinh viên thực hiện.

Quy chế sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần mới bị đuổi học được Trường Đại học Hoa Sen đưa ra từ đầu tháng 11/2023. Đối tượng áp dụng là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các đối tượng đang theo học các chương trình, hình thức đào tạo của trường.

Quy chế ghi rõ, nếu sinh viên hoạt động mại dâm lần đầu sẽ bị kỷ luật khiển trách, lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn và lần 4 buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn đối với hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm, ngay lần đầu tiên vi phạm, sinh viên sẽ bị buộc thôi học. Giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Quy định và hình thức xử lý của Trường Đại học Hoa Sen: Ảnh: ĐH Hoa Sen

Quy định và hình thức xử lý của Trường Đại học Hoa Sen: Ảnh: ĐH Hoa Sen

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tại điều 22, 23 Pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003 quy định về hình thức xử lý đối với người có hành vi mua, bán dâm như sau:

Điều 22. Xử lý đối với người mua dâm:

Người mua dâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 23. Xử lý đối với người bán dâm:

Người bán dâm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm là người nước ngoài thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất.

Người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, theo các quy định này, người có hành vi mua/bán dâm đều bị xử lý vi phạm, nhẹ sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã phường hoặc cơ sở chữa bệnh. Người thực hiện hành vi sẽ bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng chế tài xử lý, ngăn chặn hành vi.

Nhưng trong quy chế của Trường Đại học Hoa Sen có nêu: "Nếu sinh viên có hành vi mua/bán dâm xảy ra nghiêm trọng, giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật" và "sinh viên vi phạm lần 1 bị kỷ luật khiển trách, lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn, lần 4 buộc thôi học".

Theo luật sư Nguyễn Văn Nam, nội dung này không phù hợp, bởi Trường Đại học không phải là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, không có thẩm quyền để đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mua/bán dâm do sinh viên thực hiện.

Đồng thời, quy định của Trường Đại học Hoa Sen có thể trái với khoản 1 Điều 14 Nghị định 178/2004 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Phòng chống mại dâm. Bởi theo quy định này, mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Nếu Trường Đại học Hoa Sen phát hiện hành vi mua/bán dâm phải chuyển cơ quan chức năng xem xét xử lý, không được giữ lại để xử lý kỷ luật. Đương nhiên, nếu đã chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý thì có thể kết luận sinh viên có hành vi vi phạm pháp luật.

Và nếu vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ nhà trường sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật phù hợp với sinh viên chứ không thể máy móc là vi phạm lần 1 thì bị xử lý kỷ luật khiển trách, vi phạm lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn, lần 4 buộc thôi học.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quy-che-sinh-vien-hoat-dong-mai-dam-4-lan-moi-bi-duoi-hoc-co-phu-hop-169231207135241444.htm