Quỹ chìm: Phương pháp tiết kiệm cho người hay xài sang
Với những ai còn loay hoay tìm cách dành dụm cho nhiều mục tiêu khác nhau, quỹ chìm (sinking fund) có thể là một lựa chọn phù hợp.
Với những ai còn loay hoay tìm cách dành dụm cho nhiều mục tiêu khác nhau, quỹ chìm (sinking fund) có thể là một lựa chọn phù hợp.
Điểm chính:
Trong tài chính cá nhân, quỹ chìm được xem như phương pháp tiết kiệm cho những mục tiêu cụ thể trong tương lai gần
Công thức tính nhanh quỹ chìm hàng tháng: tổng số tiền chia thời gian tích lũy
Quỹ chìm hỗ trợ bạn đạt các mục tiêu ngắn hạn đã đề ra, cẩn trọng hơn trong tiêu dùng và quản lý thói quen chi tiêu
Trên lý thuyết, nếu muốn mua một chiếc điện thoại có giá khoảng 20 triệu đồng mà không qua trả góp, chỉ cần mỗi tháng tiết kiệm 3-4 triệu đồng, bạn hoàn toàn có thể sở hữu ngay sau 6 tháng. Với mức lương trung bình của nhân viên văn phòng, đây không phải là một vấn đề quá lớn.
Nhưng, thực tế lại không dễ dàng như vậy. Lý do trong quá trình tiết kiệm, chúng ta thường có những khoản chi đột xuất như tiền mừng đám cưới, quà chia tay đồng nghiệp, tiền mua hàng sale giữa tháng, sửa laptop,... Những lần chi tiêu ngoài dự tính này chính là "thủ phạm" khiến chúng ta đi hoài, đi mãi mà không đến được mục tiêu mua điện thoại mới của mình.
Và vì thế, mỗi khi có mục tiêu cần tiết kiệm, các chuyên gia tài chính khuyến khích chúng ta sử dụng quỹ chìm.
Quỹ chìm là gì?
Trong tài chính cá nhân, quỹ chìm được xem là phương pháp chia nhỏ các khoản tiết kiệm với những mục tiêu sử dụng cụ thể, theo The Balance.
Bằng cách để riêng số tiền ra một bên, bạn sẽ tránh việc sử dụng chúng cho những mục tiêu nhất thời, không thật sự cần thiết. Đây được xem là chiếc lưới an toàn, giúp bạn có ngân sách và định hướng cho thu nhập của mình.
Khác biệt giữa quỹ chìm (sinking fund) và tài khoản tiết kiệm (savings account)
Về cơ bản, hai mục này tương đối giống nhau. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất giữa quỹ chìm và tài khoản tiết kiệm nằm ở động cơ dành dụm và thời gian tích lũy. Trang The Simple Girl's Guide phân loại chúng như sau:
Quỹ chìm được xem như khoản tiền để dành ngắn hạn, được thiết lập cho một khoản chi cụ thể sắp đến.
Tài khoản tiết kiệm thường hướng đến những khoản tích lũy dài hạn, có thể dùng cho nhiều lý do hoặc cho một khoản mua sắm lớn trong tương lai.
Các bước thiết lập quỹ chìm
Rachel Cruze, chuyên gia tư vấn tài chính, tác giả cuốn "Smart Money Smart Kids" nằm trong danh sách bán chạy của New York Times năm 2014, chia sẻ 3 bước cơ bản để tạo quỹ chìm:
Bước 1: Đặt mục tiêu tiết kiệm tiền.
Đó có thể là những mục tiêu cụ thể như 50 triệu đồng đổi xe mới, 20 triệu đồng du lịch Singapore sau dịch, hoặc các lý do chưa xác định tiền như chi phí đám cưới, chi phí khám chữa bệnh khi cần.
Bước 2: Chọn nơi "giấu" tiền.
Nếu bạn dự định mở tài khoản ngân hàng cho quỹ chìm, hãy cân nhắc chọn những ngân hàng không thu phí duy trì hàng tháng để tránh phạm vào quỹ.
Bước 3: Tính số tiền cần để vào quỹ mỗi tháng.
Để biết được con số cụ thể, bạn cần biết bao lâu nữa mình sẽ dùng quỹ. Lấy số tiền tổng muốn có chia cho số tháng/tuần bạn còn từ đây đến hạn sẽ ra số tiền bạn nên dành cho quỹ chìm hàng tháng.
Quay trở lại ví dụ đầu bài, giả sử bạn muốn mua chiếc điện thoại 20 triệu đồng vào cuối năm, từ thời điểm này đến Giáng sinh bạn có khoảng 5 tháng. Như vậy, theo công thức trên, quỹ chìm của bạn sẽ là 20 triệu : 5 tháng = 4 triệu/tháng.
Mỗi tháng ngay sau khi có lương, bạn cần để 4 triệu này vào quỹ chìm và quên nó đi. Cuối năm lấy ra mua điện thoại mới.
Tùy nhu cầu cá nhân, bạn cũng có thể làm tương tự với các mục tiêu khác. Tuy nhiên, việc sở hữu quá nhiều quỹ chìm dễ làm phân tán lương của bạn, kéo dài thời gian tích góp và ảnh hưởng ít nhiều đến mức sống.
Với các khoản chưa có số tiền chính xác như y tế, sửa nhà, tổ chức đám cưới,... bạn chỉ cần ước lượng số tiền bạn muốn chuẩn bị trước và cố gắng dành dụm đến lúc đạt được. Khi dùng sẽ bổ sung nếu thiếu, The Balance gợi ý.
Còn với những khoản chi đột xuất, nếu bạn có thể nhắm chừng và chuẩn bị quỹ chìm cho chúng thì tốt. Nếu, không, hãy có quỹ khẩn cấp dành riêng cho những trường hợp khẩn cấp, tách biệt với quỹ chìm.
Lợi ích của quỹ chìm
Tránh mua hàng hấp tấp
Lợi ích dễ thấy nhất của quỹ chìm là giữ tay bạn trước khi "xuống tiền" cho một món hàng làm bạn hào hứng, hạn chế phung phí dẫn đến nợ nần. Trong quá trình tích lũy cho quỹ chìm, bạn có thể đổi ý không muốn chi nữa hoặc tìm được một lựa chọn có giá tốt hơn.
Đảm bảo đạt được các mục tiêu cần thiết
Lập quỹ chìm cho từng mục tiêu trước mắt sẽ giúp bạn chắc chắn đạt được điều mình muốn trong thời gian đề ra. Tránh trường hợp lạm phát lối sống, vừa nhận lương đã tiêu sạch, không có sự chuẩn bị rõ ràng.
Sẵn sàng khi thu nhập thay đổi
Trong tình hình kinh tế biến động, không ai đảm bảo thu nhập của mình sẽ luôn ổn định. Hành động đóng quỹ chìm trong những tháng dư dả sẽ hỗ trợ bạn giảm bớt khó khăn tài chính khi thu nhập có thay đổi bất ngờ.
Tối ưu hóa thói quen chi tiêu
Dù việc để tiền vào quỹ chìm có phần khó khăn với một số người, đặc biệt là những ai thường có nợ tín dụng. Bạn hoàn toàn có thể vừa trả nợ hàng tháng, vừa xây dựng quỹ chìm bằng cách điều chỉnh ngân sách chi tiêu, theo Forbes.
Có một số tiền nhất định không được đụng đến sẽ là động lực cho bạn cân đối tài chính, tránh lãng phí, hoặc tìm cách tăng thu nhập của mình nếu muốn tiêu nhiều hơn. Và đây chính là khởi đầu của quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.