Quy chuẩn cao tốc kéo giảm tai nạn giao thông
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 06/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2024.
Theo đó, đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150m trở lên; cầu có trụ cao từ 50m trở lên; hầm, có bố trí làn tăng, giảm tốc, làn phụ leo dốc).
Về tốc độ thiết kế của đường bộ cao tốc, quy chuẩn mới quy định: Tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp: Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120km/h; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100km/h; cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80km/h. Đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60km/h.
Về số làn xe chạy, quy chuẩn mới yêu cầu, số làn xe được xác định trên cơ sở lưu lượng xe thiết kế, nhưng không ít hơn 2 làn xe cho mỗi chiều. Chiều rộng làn xe chạy tối thiểu 3,75m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,5m đối với đường cấp 80.
Đối với làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 3m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 2,50m đối với đường cấp 80.
Các công trình gắn với đường bộ cao tốc bao gồm: Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; trạm dừng nghỉ; hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí; trạm kiểm tra tải trọng xe; hàng rào bảo vệ...
Thời gian qua, trên các tuyến đường cao tốc đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có thể kể đến: Ngày 14/2/2024, tại Km 261+700 trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đã xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng giữa ôtô tải với 2 xe máy đi hướng ngược chiều khiến 4 người tử vong. Ngày 18/2/2024, tại Km48+200 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận thôn Đông Thái (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), xe ôtô 7 chỗ va chạm với xe đầu kéo làm 3 người thiệt mạng.
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 1.800km đường cao tốc; phấn đấu đến năm 2025 có trên 3.000km đường bộ cao tốc. Chỉ trong năm 2023, cả nước đã có thêm gần 500km đường cao tốc mới. Đó là con số đáng ghi nhận về nỗ lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, TNGT trên cao tốc cũng rất đáng lo ngại.
Giới chuyên gia giao thông cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT trên cao tốc, trong đó hạ tầng giao thông, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông và chất lượng phương tiện là 3 yếu tố chính. Cốt lõi của đường cao tốc là các phương tiện di chuyển với tốc độ cao nên các tuyến đường phải tuyệt đối đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật. Việc đường cao tốc mà chỉ có 2 làn xe lưu thông là chưa đảm bảo kỹ thuật vì rất nguy hiểm cho người và phương tiện đang lưu thông.
Theo ông Khuất Việt Hùng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (nay là Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, từ ngày 25/3/2024), muốn ngăn TNGT nói chung và TNGT trên cao tốc nói riêng thì ý thức và kỹ năng điều khiển phương tiện của người lái xe là quan trọng nhất
Với các tuyến cao tốc, để kéo giảm TNGT, ông Hùng cũng cho rằng, cùng với việc rà soát, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp tuần tra, khắc phục để đảm bảo an toàn hơn, thuận tiện hơn thì cần sớm điều chỉnh lại tổ chức giao thông, biển báo. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, đầu tư hệ thống giám sát phát hiện vi phạm tự động để phạt nguội, thì lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm để răn đe giúp người tham gia giao thông tuân thủ các quy định pháp luật hơn. Cùng với đó phải tiếp tục thay đổi phương thức đào tạo, sát hạch để nâng cao kỹ năng cho người điều khiển phương tiện.
“Tuy nhiên, dù hạ tầng giao thông có được nâng cấp, mở rộng bao nhiêu mà ý thức, kỹ năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông không được nâng cao thì không thể ngăn được TNGT xảy ra” - ông Hùng nói.
Còn theo PGS.TS Phạm Hoàng Kiên - Trưởng bộ môn Thiết kế cầu đường (Trường Đại học GTVT), đường bộ cao tốc phải có dải phân cách giữa, dải an toàn hay làn dừng khẩn cấp. Tuy nhiên, có một số đoạn hay tuyến đường cao tốc hiện nay vẫn còn chưa đạt chuẩn theo đúng quy định của một tuyến đường bộ cao tốc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Thiêm - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - Công nghệ, Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Vidifi), cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây tai nạn trên đường cao tốc, như chạy quá tốc độ, buồn ngủ, mệt mỏi, sử dụng rượu bia, chất kích thích, chuyển làn đột ngột, sử dụng điện thoại trong khi lái xe, dừng đỗ và đi ngược chiều… Trong đó, chạy quá tốc độ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Chưa kể, hiện một số tuyến đường cao tốc vẫn có ổ gà, vết lằn bánh xe; hệ thống biển báo, vạch kẻ đường chưa đầy đủ có thể khiến tài xế nhầm lẫn, dẫn đến đi sai làn đường hoặc không kịp phản ứng trước những tình huống nguy hiểm.