Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng

Ngày 30/6/2023, Bộ Xây dựng ra Thông tư số 04/2023/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

Giải đáp chính sách

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi được biết, vừa có quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Xin quý báo cho biết một số quy định về quản lý?

(Nguyễn Hồng Nam, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội)

Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau: Ngày 30/6/2023, Bộ Xây dựng ra Thông tư số 04/2023/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Theo đó, Phần 3 nêu về Quy định quản lý như sau:

3.1. Quy định về chứng nhận hợp quy

3.1.1. Việc chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng ở Bảng 1 Phần 2 của Quy chuẩn này được thực hiện theo các phương thức đánh giá nêu tại khoản 3.1.2.

3.1.2. Các phương thức đánh giá chứng nhận hợp quy được quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về Công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn (sau đây gọi tắt là Thông tư 28/2012/TT-BKHCN) và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN (sau đây gọi tắt là Thông tư 02/2017/TT-BKHCN), cụ thể như sau:

- Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình.

Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy không quá 01 năm. Giấy chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị đối với kiểu, loại sản phẩm, hàng hóa được lấy mẫu thử nghiệm.

Hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu áp dụng phương thức này khi:

+ Cơ sở sản xuất tại nước ngoài đã được cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001 đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng này và chứng chỉ đang còn hiệu lực

+ Giám sát thông qua việc thử nghiệm mẫu mỗi lần nhập khẩu.

- Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.

Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy không quá 3 năm và giám sát hàng năm thông qua việc thử nghiệm mẫu tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.

Phương thức này áp dụng đối với các loại sản phẩm được sản xuất bởi cơ sở sản xuất trong nước hoặc nước ngoài đã xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng nhằm đảm bảo duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.

Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất, nhập khẩu.

3.2. Quy định về công bố hợp quy

3.2.1. Các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy tại Cơ quan kiểm tra tại địa phương nơi đăng ký kinh doanh dựa trên Kết quả chứng nhận của Tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật;

3.2.2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục công bố hợp quy thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN và Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN (Áp dụng phiên bản mới nhất khi được thay thế, sửa đổi)

3.3. Quy định đối với hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu

3.3.1. Đối với hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu quy định tại Phần 2 của Quy chuẩn, người nhập khẩu phải thực hiện:

a) Đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thực hiện tại Cơ quan kiểm tra tại địa phương nơi nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa.

b) Khi đăng ký kiểm tra Nhà nước, phải xác định tên Tổ chức chứng nhận hợp quy, tên Tổ chức thử nghiệm thực hiện việc thử nghiệm, đánh giá chứng nhận chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên Bản đăng ký theo Mẫu số 01 -Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 Điều 4 của Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ. Cơ quan kiểm tra xác nhận người nhập khẩu đã đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên bản đăng ký.

c) Người nhập khẩu nộp bản đăng ký có xác nhận của Cơ quan kiểm tra cho Cơ quan hải quan để được phép thông quan hàng hóa;

d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc (đối với nhóm sản phẩm xi măng, phụ gia cho xi măng, bê tông và vữa là 35 ngày làm việc) kể từ ngày thông quan hàng hóa, người nhập khẩu phải nộp bản sao y bản chính (có ký tên và đóng dấu của người nhập khẩu), Giấy chứng nhận hợp quy và kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa (được thực hiện bởi tổ chức chứng nhận hợp quy và tổ chức thử nghiệm đã có tên trong bản đăng ký nộp cho Cơ quan kiểm tra trước đó) phù hợp với Bảng 1 của quy chuẩn này cho Cơ quan kiểm tra.

đ)Trường hợp, hàng hóa đã được Tổ chức chứng nhận đánh giá tại nước xuất khẩu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thông quan, người nhập khẩu phải nộp bản sao y bản chính (có ký tên và đóng dấu của người nhập khẩu), Giấy chứng nhận hợp quy cho Cơ quan kiểm tra.

e) Trường hợp, người nhập khẩu thực hiện đăng ký kiểm tra chất lượng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thì thực hiện đăng ký kiểm tra và trả kết quả kiểm tra chất lượng thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

g) Người nhập khẩu hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu...

Bảo An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quy-chuan-ky-thuat-quoc-gia-ve-san-pham-hang-hoa-vat-lieu-xay-dung-346882.html