Quy chuẩn mới về hệ thống chống hà tàu biển

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển, có hiệu lực từ ngày 1/12.

Kiểm soát chặt hệ thống chống hà, không để gây hại môi trường biển

Quy chuẩn mới áp dụng cho các hệ thống được sử dụng trên tàu biển Việt Nam, tàu lặn, giàn cố định hoặc di động, kho chứa nổi (FSU) và kho chứa nổi dùng để sản xuất, chứa và xuất dầu (FPSO) nhằm kiểm soát và ngăn ngừa các sinh vật không mong muốn bám vào tàu. Đồng thời, không áp dụng cho các hệ thống chống hà trên các tàu có chiều dài nhỏ hơn 24 m.

Hệ thống chống hà trên tàu phải được kiểm soát để hạn chế bất cứ chất nào có hại đối với môi trường biển.

Các tàu phải tuân thủ quy chuẩn mới về hệ thống chống hà tàu biển nhằm kiểm soát và ngăn ngừa các sinh vật không mong muốn bám vào tàu (Ảnh minh họa).

Các tàu phải tuân thủ quy chuẩn mới về hệ thống chống hà tàu biển nhằm kiểm soát và ngăn ngừa các sinh vật không mong muốn bám vào tàu (Ảnh minh họa).

Theo đó, ngoài việc tàu không được sử dụng mới hoặc sử dụng lại hệ thống chống hà có chứa thiếc, còn không được có chất Cybutryne, hoặc chỉ được phép chứa một lượng nhỏ Cybutryne với điều kiện hàm lượng Cybutryne không vượt quá các giá trị quy định.

Trường hợp hệ thống chống hà không tuân thủ yêu cầu trên và đã được áp dụng trên tàu trước ngày 1/1/2023 thì tàu phải loại bỏ hệ thống chống hà đó, hoặc phải được phủ bằng lớp bọc tuân thủ yêu cầu.

Cụ thể, lớp bọc phải là loại sơn được nhà sản xuất khuyến cáo nhằm tạo thành lớp chắn ngăn không cho các chất bị cấm thấm ra ngoài. Màu của lớp bọc phải khác để phân biệt được so với màu của hệ thống chống hà bên dưới.

Theo quy định, hệ thống chống hà trên tàu phải chịu nhiều hình thức kiểm tra, gồm kiểm tra lần đầu trong quá trình đóng mới và trong quá trình tàu hoạt động (theo chu kỳ hoặc kiểm tra bất thường). Riêng giàn cố định hoặc di động, kho chứa nổi (FSU) và kho chứa nổi dùng để sản xuất, chứa và xuất dầu (FPSO) không phải áp dụng kiểm tra chu kỳ.

Quy định lưu ý với các tàu hoạt động tuyến quốc tế có tổng dung tích lớn hơn 400, đăng kiểm phải kiểm tra xác nhận không muộn hơn ngày 31/12/2024 dựa trên các hồ sơ được trình.

Đáng chú ý, riêng với việc kiểm tra bất thường, thay cho cách kiểm tra thông thường là có mặt của đăng kiểm viên thì cơ quan đăng kiểm có thể chấp nhận các phương pháp kiểm tra khác với điều kiện việc kiểm tra đó có thể mang lại các thông tin tương đương.

Kiểm tra bất thường nếu tàu hoán cải lớn ảnh hưởng đến hệ thống chống hà

Hệ thống chống hà là lớp phủ, sơn, biện pháp xử lý bề mặt, bề mặt hoặc thiết bị được sử dụng trên tàu nhằm hạn chế hoặc ngăn chặn các sinh vật không mong muốn bám vào tàu.

Quy chuẩn nêu rõ, trường hợp hệ thống chống hà trên tàu bị thay đổi hoặc thay thế, nếu việc sửa chữa chỉ làm ảnh hưởng đến hệ thống chống hà dưới 25% về mặt diện tích thì hệ thống chống hà đó không bị coi là thay đổi hoặc thay thế.

Nếu tàu có hệ thống chống hà không phù hợp và đã được bọc bằng lớp chắn tuân thủ quy định thì việc tính toán phải dựa trên diện tích của hệ thống chống hà nằm bên dưới lớp chắn. Trong mọi trường hợp, hệ thống chống hà được áp dụng mới lên tàu phải tuân thủ quy định.

Trường hợp tàu có bất kỳ hoán cải lớn nào gây ảnh hưởng đến hệ thống chống hà trên tàu như hoán cải ảnh hưởng tới kích thước tàu, thay đổi kết cấu thân tàu… đều có thể tiến hành kiểm tra bất thường.

Quy định nêu rõ, khi tàu cần kiểm tra theo yêu cầu của quy chuẩn này, chủ tàu có trách nhiệm thông báo trước cho đăng kiểm viên địa điểm kiểm tra, thời gian tiến hành kiểm tra để đăng kiểm viên có thể thực hiện công việc kiểm tra vào thời điểm thích hợp.

Chủ tàu hoặc đại diện của chủ tàu phải có trách nhiệm thực hiện việc chuẩn bị cho quá trình kiểm tra lần đầu, kiểm tra chu kỳ và các hình thức kiểm tra khác. Chủ tàu phải bố trí một người hỗ trợ nắm vững các hạng mục kiểm tra để chuẩn bị tốt công việc phục vụ kiểm tra và giúp đỡ đăng kiểm viên khi có yêu cầu.

Việc kiểm tra có thể bị hoãn trong trường hợp không có đầy đủ sự chuẩn bị cần thiết, không có mặt của người hỗ trợ phù hợp, hoặc đăng kiểm viên thấy việc kiểm tra không được đảm bảo an toàn.

Dựa trên kết quả kiểm tra, nếu thấy cần thiết phải sửa chữa, đăng kiểm viên phải thông báo kết quả kiểm tra cho chủ tàu. Sau khi nhận được thông báo, chủ tàu phải tiến hành việc sửa chữa cần thiết và kết quả phải được đăng kiểm viên kiểm tra xác nhận.

Trong việc cấp giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quốc tế về hệ thống chống hà của tàu không có thời hạn với điều kiện hệ thống chống hà của tàu được duy trì phù hợp với các yêu cầu của Quy chuẩn này và tự mất hiệu lực nếu hệ thống chống hà của tàu không được duy trì phù hợp với Quy chuẩn này hoặc bị thay đổi, thay thế mà không được kiểm tra, xác nhận phù hợp.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quy-chuan-moi-ve-he-thong-chong-ha-tau-bien-192240624134703384.htm