Quy chuẩn nào cho trang phục phim dã sử?
Điện ảnh Việt có không ít tác phẩm gây tranh cãi về trang phục vì những chi tiết chưa đúng với văn hóa, lịch sử.
Mới đây, siêu mẫu Thanh Hằng cho biết lần đầu cô đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất kiêm diễn viên chính trong phim dã sử Quỳnh hoa nhất dạ. Bộ phim này lấy cảm hứng từ cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga. Tuy nhiên, khi poster và bộ ảnh về tạo hình đầu tiên của nhân vật chính Thái hậu Dương Vân Nga được giới thiệu, tranh cãi quanh về bộ trang phục này đã nổ ra khắp các diễn đàn mạng.
Theo đó, trang phục của thái hậu Dương Vân Nga trong Quỳnh hoa nhất dạ được thiết kế kế tỉ mỉ, cầu kỳ với các lớp áo trong áo ngoài khác nhau. Song lớp áo trắng trong cùng là đúng với văn hóa Việt Nam (dạng áo giao lĩnh, áo trắng có 2 vạt đặt chéo nhau), còn lại lớp áo ngoài có kiểu dáng quá xa lạ. Tà áo được kéo dài từ trái qua phải, cố định bằng nút cổ tàu, khiến nhiều khán giả liên tưởng tới trang phục của thời Mãn Thanh (Trung Quốc) thế kỷ 18 đến 20. Trong khi đó, bối cảnh lịch sử của bộ phim là vào thế kỷ thứ 10, thời kỳ Đinh - Tiền Lê.
Nhiều ý kiến cho rằng, trang phục tạo hình Thái hậu Dương Vân Nga trong bộ phim này đã sử dụng một dạng thức trang phục mang đậm ảnh hưởng của triều đại Mãn Thanh lên một nhân vật sống vào thế kỉ thứ 10. Một số người bình luận và mong muốn phía ê-kíp sản xuất cần chỉnh sửa lại trang phục của nhân vật chính sao cho phù hợp với lịch sử và truyền thống văn hóa Việt. Ngay sau đó, Thanh Hằng lên tiếng cho biết sẽ tiếp thu, chỉnh sửa, thiết kế trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga trong phim làm sao để hài hòa và chuẩn nhất có thể. Đạo diễn Lý Minh Thắng cũng hứa hẹn: “Trang phục hay thiết kế bối cảnh không chỉ cần hợp lý về lịch sử, mà còn phải tạo ra được không khí uy nghi của triều đình, thể hiện được tính cách, tâm tư của nhân vật và giúp nhà làm phim kể được câu chuyện mà họ muốn kể”.
Cũng là một dự án điện ảnh được đông đảo khán giả quan tâm gần đây, đó là phim Kiều của nhà sản xuất, đạo diễn Mai Thu Huyền. Dựa trên Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm điện ảnh này vừa hé lộ những hình ảnh đầu tiên đúng vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du. Trong teaser ra mắt, nhân vật Thúy Kiều được giới thiệu ở những góc mặt nghiêng, khuôn hình đặc tả chân mày, đôi môi. Mặc dù thời lượng đoạn giới thiệu khá ngắn nhưng Kiều đã khiến nhiều khán giả băn khoăn.
Trong đó, y phục của nữ chính khá hở hang, táo bạo khi khoe lưng trần, không đúng với nét văn hóa Việt xưa, khi phụ nữ luôn ăn mặc kín đáo. Bên cạnh đó, phục trang của dàn diễn viên phụ lại quá mức sặc sỡ, lòe loẹt giống... đồ biểu diễn văn nghệ tại các trường học đương thời. Cùng với trang phục, khán giả tỏ ra bức xúc với tấm biển “Lạc Uyển Lâu” được ghi bằng chữ Quốc ngữ trong phim. Nhiều khán giả và giới chuyên môn đánh giá, bối cảnh phim Kiều ở giai đoạn cuối nhà Hậu Lê - đầu nhà Tây Sơn nhưng phim có sự xuất hiện của chữ quốc ngữ là không phù hợp, xa rời yếu tố lịch sử.
Thực tế, trang phục trong phim dã sử Việt đã có nhiều tác phẩm gây làm dư luận dậy sóng, như các phim Mỹ nhân, Mỹ nhân kế, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng... Các phim này có tác phẩm thậm chí in cả hình ảnh của phim hoạt hình quốc tế lên áo, mũ nón hoặc áo quần mang yếu tố ngoại lai, váy áo của thời nào không ai biết!
Chia sẻ về phục trang trong phim cổ trang Việt, nhà thiết kế Đức Lộc cho rằng, việc phục dựng trang phục cổ Việt không hề đơn giản. Từ lý thuyết nghiên cứu để tạo nên một bộ quần áo ứng dụng vào thực tiễn phải có sự cộng hưởng của hai yếu tố: Kiến thức về văn hóa lịch sử và tư duy, kiến thức về thời trang. Tại Việt Nam đang tồn tại câu chuyện “mạnh ai nấy làm”, không có sự kết nối với nhau. Người nghiên cứu cứ nghiên cứu, người thiết kế cứ theo thời trang. Rất hiếm có sự kết hợp hài hòa tư duy nghiên cứu và thời trang trong một tác phẩm. Chính yếu tố này đã dẫn đến những khúc mắc, tranh cãi không hồi kết về trang phục của phim dã sử.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quy-chuan-nao-cho-trang-phuc-phim-da-su-n182007.html