Quy chuẩn PCCC khó hiểu, làm khó cho doanh nghiệp

Với việc hàng loạt cơ quan chức năng nhà nước như các sở xây dựng, cảnh sát phòng cháy chữa cháy các địa phương không thể hiểu đúng hay phải hỏi lại để làm rõ rất nhiều điểm trong Quy chuẩn Quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD) thì Bộ Xây dựng cần xem lại về cách diễn đạt, cách dùng từ ngữ, thuật ngữ. Một khi các cơ quan chuyên môn của nhà nước còn lúng túng thì việc doanh nghiệp kêu khó trong áp dụng là điều tất yếu.

An ttoàn PCCC rất quan trọng đối với doanh nghiệp, nhưng hộ quy chuẩn mới về an toàn cháy lại khó hiểu. Trong ảnh: một xưởng gỗ tại ngoại thành TPHCM bị cháy. Ảnh: N.K

An ttoàn PCCC rất quan trọng đối với doanh nghiệp, nhưng hộ quy chuẩn mới về an toàn cháy lại khó hiểu. Trong ảnh: một xưởng gỗ tại ngoại thành TPHCM bị cháy. Ảnh: N.K

Trong ba năm, từ 2020-2022, Bộ Xây dựng đã liên tiếp ban hành ba bộ Quy chuẩn Quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06) với các phiên bản 2020, 2021, 2022. Dù QCVN 06:2022/BXD mới có hiệu lực từ đầu năm 2023, nhưng sau khi ra đời đã gặp phản ứng mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp do các quy định cứng nhắc và tiêu chuẩn quá cao về PCCC khiến họ khó hoạt động.

Đến tháng 5-2023, Bộ Xây dựng đã phải ban hành quyết định hỏa tốc về việc sửa đổi và ban hành bộ quy chuẩn mới để thay thế QCVN 06:2022/BXD. Quá trình lấy ý kiến sửa đổi QCVN 06:2022/BXD cho thấy bộ quy chuẩn này quá phức tạp và không bao quát, từ đó dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khi áp dụng và làm phát sinh bất đồng ý kiến giữa doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn của nhà nước.

“Người trong nghề” cũng thấy khó hiểu

Hôm 15-8, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS) và Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2022/BXD) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các ý kiến tại hội thảo cho thấy, việc thực thi QCVN 06 còn nhiều vướng mắc về cách hiểu. Trong khi Bộ Xây dựng cho rằng doanh nghiệp có thể làm tất cả những gì quy chuẩn không cấm, thì trên thực tế, nhiều cơ quan quản lý ở địa phương lại hiểu là “chỉ được làm những gì quy chuẩn cho phép”.

Tại cuộc hội thảo này, Bộ Xây dựng đã cung cấp bộ tài liệu “Thuyết minh biên soạn Sửa đổi 1 – QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình Version 2 ngày 30-7-2023 – sau hội thảo Bộ Xây dựng” gồm hơn 400 trang. Đáng chú ý trong tài liệu này là phần giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý với hơn 200 trang, bao gồm ý kiến của một số cơ quan công an địa phương, các sở xây dựng và các hiệp hội doanh nghiệp.

Đọc qua các bản góp ý và phần giải trình của ban soạn thảo Sửa đổi 1 – QCVN 06:2022/BXD trong bản thuyết minh có thể thấy, việc hiểu đúng bản quy chuẩn là việc không đơn giản. Chẳng hạn, bản góp ý của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC 07) Công an Hà Nội nêu ra đến 120 vấn đề cần làm rõ về một số nội dung, quy định trong quy chuẩn chưa thống nhất, có nhiều cách hiểu.

Là cơ quan chức năng về quản lý nhà nước, các sở xây dựng địa phương cũng khá lúng túng khi vận dụng QCVN 06. Đa số sở xây dựng các tỉnh thành đều có vướng mắc về cách hiểu, cách vận dụng được nêu trong bản góp ý. Một số ý kiến được ban soạn thảo trả lời đã được ghi nhận, tiếp thu để sửa chữa.

Ngay cả một tổ chức có nhiều chuyên viên như Hiệp hội tư vấn xây dựng cũng nêu vấn đề khó khăn cốt lõi là “có nhiều khái niệm được hiểu khác nhau, giải thích khác nhau dẫn đến khi thẩm duyệt PCCC gặp khó khăn”.

Thiếu bao quát, bỏ sót tính đặc thù địa phương

Góp ý từ sở xây dựng một số tỉnh như Đồng Nai, Ninh Bình nhấn mạnh đến việc thiếu bao quát trong việc xây dựng quy chuẩn, dẫn đến việc khó triển khai trong thực tế. QCVN 06 chỉ quy định chung cho hạng mục, công trình theo công năng mà không quan tâm đến quy mô đặc điểm, dẫn đến phải áp dụng cả đối với công trình có quy mô nhỏ. Chẳng hạn, nhiều công trình nhỏ như karaoke, nhà hàng, khách sạn có mặt tiền từ 4-5 mét, không thể bố trí hai lối thoát nạn từ tầng 1 đảm bảo độ phân tán như quy chuẩn yêu cầu.

Một số tỉnh có địa hình đặc thù với nhiều sông, kênh rạch chằng chịt ở miền Nam như TPHCM, Tiền Giang, Cần Thơ nhấn mạnh đến việc cần bổ sung vào quy chuẩn việc dùng nguồn nước tự nhiên để chữa cháy. Do trong QCVN 06 không có quy định về việc cho phép sử dụng nguồn nước từ các sông, kênh để cấp nước chữa cháy cho công trình, nên các cơ sở xây dựng ven các tuyến sông, tuyến kênh có nguồn nước dồi dào nhưng phải xây dựng bể nước chữa cháy theo quy định gây tốn kém và lãng phí.

Tương tự là quy định về đường, bãi đậu xe chữa cháy vì với đặc thù về địa hình sông ngòi của địa phương thì một số cơ sở xây dựng và hoạt động ven các tuyến sông, tuyến kênh nên không có bãi đậu xe, đường cho xe chữa cháy tiếp cận. Nếu quy chuẩn phải bao quát cả hai loại hình đường bộ lẫn đường thủy với cả xe cứu hỏa lẫn tàu cứu hỏa thì các địa phương đã không bị vướng khi triển khai.

Tương tự như các tỉnh đồng bằng, sở xây dựng một số tỉnh miền núi như Phú Thọ, Bắc Kạn, Điện Biên, Thanh Hóa… đề nghị điều chỉnh giảm yêu cầu về trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các khu vực miền núi, nông thôn cũng như các công trình quy mô nhỏ.

Một số công trình tại các xã vùng sâu, vùng xa có điều kiện giao thông khó khăn, chưa đảm bảo về nguồn điện, nguồn nước dẫn đến sau khi đầu tư hệ thống PCCC theo các quy định của QCVN 06:2022/BXD không sử dụng được, gây lãng phí. Vì vậy, các tỉnh này đề nghị bổ sung các quy định đảm bảo phù hợp một số công trình xây dựng ở các địa bàn vùng sâu cho phù hợp với điều kiện thực tế, không “mặc chung áo” quy chuẩn với các đô thị phát triển.

Với thực tế đã diễn ra, khi ban hành bản QCVN 06 mới cần kèm theo cổng tiếp nhận thông tin để doanh nghiệp liên hệ. Khi có bất đồng ý kiến trong cách hiểu giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước địa phương, cảnh sát PCCC, doanh nghiệp phải có chỗ làm trọng tài. Đơn vị giữ vai trò trọng tài này không ai khác hơn là tác giả quy chuẩn, tức Bộ Xây dựng. Vì vậy, Bộ Xây dựng cần có một hệ thống tiếp nhận và giải đáp cho các bên liên quan, thay vì để họ tự bơi như trong những năm qua.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tham khảo quá trình chuyển tiếp trong việc nâng dần tiêu chuẩn PCCC theo lộ trình mà các nước Đông Nam Á đã làm để doanh nghiệp có thể đáp ứng và có thời gian chuyển đổi mà không bị sốc với các tiêu chuẩn quá cao phải áp dụng ngay.

Theo thông tin trong tài liệu “Thuyết minh biên soạn Sửa đổi 1 – QCVN 06:2022/BXD”, các tài liệu chính làm căn cứ xây dựng QCVN 06 gồm các tài liệu của Nga và các tài liệu tương đương khác của Belarus, Ukraina. Các tài liệu tiếng Anh được sử dụng của Mỹ, Anh, Singapore và các tiêu chuẩn, tài liệu liên quan khác.

Theo liệt kê trong bản thuyết minh, tài liệu của Mỹ gồm ba bản tiêu chuẩn của Hiệp Hội PCCC Mỹ (NFPA 5000-2021, NFPA 92, NFPA 101), luật của Singapore (Fire code 2018) và tài liệu của Anh (Approved document B, F).

Tuy nhiên, nguồn tài liệu tham khảo được liệt kê nhiều nhất là của Nga bao gồm Luật Liên bang Nga số 123-FZ năm 2008 (sửa đổi năm 2021). Ngoài luật này, QCVN 06 còn liệt kê tài liệu tham khảo gồm 25 bộ tiêu chuẩn của Nga với rất nhiều lĩnh vực từ lối thoát hiểm, giải pháp thiết kế, nguồn cung cấp nước chữa cháy bên ngoài, tự động hóa hệ thống PCCC, lớp phủ chống cháy, chống cháy kết cấu thép, thiết kế chịu lửa, chống cháy kết cấu thép, sơn chống cháy…

Trong các tài liệu tham khảo nói trên, chỉ có một nước cùng khu vực với Việt Nam là Singapore. Tuy nhiên, dù được liệt kê nhưng thông tin từ quy chuẩn của Singapore hiếm khi được viện dẫn đến trong phần giải thích của ban biên soạn QCVN 06.

Nếu ban biên soạn QCVN 06 tham khảo thêm quy chuẩn về an toàn PCCC của các nước trong khu vực Đông Nam Á có điều kiện tương đồng với Việt Nam chẳng hạn như Malaysia, Thái Lan, Indonesia thì có lẽ sẽ phù hợp hơn khi chủ yếu dựa vào tài liệu các nước khác biệt với Việt Nam về khí hậu, trình độ phát triển, mật độ dân cư, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội… như Nga, Anh, Mỹ.

Song Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quy-chuan-pccc-kho-hieu-lam-kho-cho-doanh-nghiep-2/