Quỹ đạo tăng sẽ quay lại khi các yếu tố ngoại biên tiêu cực qua đi
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn xu thế giảm sau nhịp hồi tích cực trong nửa cuối tháng 5. Việc thị trường đang trong vùng trũng thông tin càng khiến cho những tác động tiêu cực từ ngoại biên lên tâm lý nhà đầu tư mạnh hơn. Các chuyên gia cho rằng, quý II đang khép lại và các thông tin tích cực trong nước sẽ hỗ trợ cho thị trường; tuy nhiên, quỹ đạo tăng sẽ quay lại chắc chắn hơn khi các yếu tố tiêu cực từ quốc tế qua đi.
Vì sao thị trường vẫn trong nhịp biến động giảm?
Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước vẫn đang trong nhịp biến động giảm lần thứ 2 sau nhịp hồi tích cực kéo dài hơn 2 tuần kể từ vùng đáy VN-Index 1.160 điểm của tháng 5. Chỉ số VN-Index hiện đang “loay hoay” dưới mốc 1.200 điểm và thanh khoản duy trì ở mức thấp. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6/2022, chỉ số VN-Index dừng lại ở 1.185,48 điểm – khép lại tuần giảm thứ 3 liên tiếp của thị trường.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Thái Hữu Công – Chuyên gia Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, dù điểm số chưa lấy lại được đà tăng, nhưng TTCK trong nước hiện nay có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành. Theo đó, trong khi những nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán vẫn đang dò đáy do nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, thì những nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh tốt và không chịu nhiều ảnh hưởng của lạm phát như dầu khí, điện năng, bán lẻ vẫn giữ giá khá tốt.
Các yếu tố ngoại biên tiêu cực xuất hiện trong thời gian trũng thông tin khiến thị trường chứng khoán trong nước biến động giảm. Ảnh: Duy Dũng
“Những yếu tố dẫn đến việc thị trường quay lại đà giảm trong thời gian vừa qua có thể kể đến như áp lực chốt lời sau một nhịp hồi khá tích cực từ vùng đáy 1.160 điểm với nhiều cổ phiếu ghi nhận mức hồi phục 40 - 50% từ vùng đáy, thậm chí tăng vượt đỉnh” – ông Hữu Công nói.
Chuyên gia của KBSV phân tích thêm, TTCK hiện đang ở vùng trũng thông tin sau khi mùa đại hội đồng cổ đông 2022 qua đi và kết quả kinh doanh quý I/2022 cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu. Việc thiếu đi thông tin hỗ trợ từ các doanh nghiệp niêm yết khiến cho các thông tin kinh tế vĩ mô trong giai đoạn này sẽ có tác động mạnh đến TTCK. Đặc biệt, thông tin về sức khỏe nền kinh tế Mỹ cũng như những động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong bối cảnh lạm phát tăng cao hiện đang thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư.
Cơ hội cho dòng tiền đến muộn khi định giá ngày càng hấp dẫn
Đánh giá của các công ty chứng khoán và nhiều chuyên gia khẳng định rằng, TTCK Việt Nam đang ở vùng định giá rất hấp dẫn. Nhịp điều chỉnh mạnh trong quý II vừa qua đã đưa P/E trượt 12 tháng (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) của VN-Index về mức 13,2 lần. Thống kê trong lịch sử 10 năm trở lại đây, chỉ có duy nhất 3 giai đoạn VN-Index giao dịch ở dưới mức này: Giai đoạn năm 2012 do các bất ổn vĩ mô sau khủng hoảng 2009; giai đoạn cuối năm 2015 đầu 2016 trước lo ngại Trung Quốc “hạ cánh cứng” và FED nâng lãi suất lần đầu sau khủng hoảng tài chính; giai đoạn đầu 2020 do khủng hoảng Covid-19.
Chia sẻ về mặt định giá thị trường hiện nay, ông Thái Hữu Công cho rằng: “So sánh tương quan so với các nước trong khu vực và trong quá khứ, tôi cũng có chung quan điểm về việc thị trường hiện tại đã ở vùng giá rất hấp dẫn. Tuy nhiên TTCK vốn là thị trường kỳ vọng của tương lai. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn hiện đang chịu nhiều tác động tiêu cực của các yếu tố ngoại biên, chứ không đến từ tiềm lực nội tại của nền kinh tế. Khi các yếu tố tiêu cực này qua đi, thị trường sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có”.
Định giá hấp dẫn sẽ kích thích dòng vốn ngoại vào chứng khoán Việt
Về lý thuyết, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể bị tác động tiêu cực bởi “taper tantrum” (sự giận dữ của thị trường khi FED rút các gói kích thích đã xảy ra năm 2013 – PV). Tuy vậy, Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã chứng kiến một đợt giảm điểm mạnh trong hai tháng qua, kéo mặt bằng định giá các chỉ số chứng khoán về vùng hấp dẫn khi so sánh với lịch sử và các thị trường trong khu vực. Định giá hấp dẫn sẽ kích thích dòng vốn ngoại đổ vào Thị trường chứng khoán Việt Nam và phần nào giảm thiểu tác động của “taper tantrum”. - Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường, VNDIRECT
Về mặt kỹ thuật, nhiều ý kiến đều cho rằng, xu hướng giảm hiện vẫn đóng vai trò chủ đạo của thị trường. Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường hiện tại đang khá yếu do nhịp sụt giảm mạnh trước đó và có sự nhạy cảm với các thông tin tiêu cực hơn là thông tin tích cực.
Chuyên gia của KBSV khuyến nghị, nhà đầu tư khi thực hiện mua bán cần hạn chế sử dụng margin (ký quỹ) nhằm tránh việc bị giải chấp nếu xuất hiện các nhịp sụt giảm mạnh. Đối với các vị thế ngắn hạn mà nhà đầu tư nắm giữ, cần tuân thủ kỷ luật chốt lời tại các vùng kháng cự và cắt lỗ khi cổ phiếu sụt giảm 5 - 10%, tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro. Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS), sau 3 tuần giảm liên tiếp, nhiều cổ phiếu đã thủng đáy tháng 5 và có mức chiết khấu cao, trở nên hấp dẫn như nhóm cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, bảo hiểm, thép… Thị trường đang dần khép lại quý II với mùa báo cáo kết quả kinh doanh sẽ được công bố, nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản đã điều chỉnh mạnh như nhóm sản xuất điện, bảo hiểm, dầu khí, … nhà đầu tư có thể mua lại với giá tốt; kể cả việc thị trường có nhịp “nhúng” qua đáy thứ 2 này cũng là cơ hội cho dòng tiền đến muộn.