Quỹ đất cho trường ngoài công lập
Các địa phương cần phải thấy việc tạo quỹ đất, ưu tiên quỹ đất cho giáo dục là yêu cầu cấp thiết, từ đó phải rà soát lại quỹ đất, tìm những địa điểm thích hợp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trường học.
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội vừa qua đã thể hiện rõ tình trạng thiếu trường, thiếu lớp trong giáo dục phổ thông ngay tại Thủ đô.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, năm học 2023-2024, Hà Nội có tổng số 129.210 học sinh lớp 9, trong khi đó, tổng chỉ tiêu cho lớp 10 của cả công lập, ngoài công lập và giáo dục nghề, giáo dục thường xuyên chỉ là 112.654 học sinh.
Không chỉ đối với kỳ thi vào THPT mà càng ngày kỳ thi vào các lớp đầu cấp học tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn càng khốc liệt hơn do tốc độ tăng dân số nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ phát triển hạ tầng giáo dục. Tình trạng phát triển dân số nhanh phá vỡ hạ tầng giáo dục hiện nay nếu không có giải pháp thỏa đáng thì sẽ đến lúc các cháu trong độ tuổi học phổ thông sẽ khó tìm được nơi học.
Đây là lúc cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trường học để đáp ứng kịp thời nhu cầu, nhất là tại thành phố lớn. Hiện nay, muốn có quỹ đất để mở trường tư thục là không dễ dàng. Trường THPT Hồ Tùng Mậu ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đang có 350 học sinh, trong một khuôn viên khá chật hẹp, chỉ khoảng 1.100m2.
Đây là diện tích đất mà Trường THPT Hồ Tùng Mậu phải thuê của một hợp tác xã theo giá thị trường, không có bất cứ một ưu đãi nào. Nhà trường có nhu cầu mở thêm cơ sở để đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, dù đã đề đạt Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội hỗ trợ để tìm quỹ đất nhưng vẫn chưa có câu trả lời.
Một bất cập được nhiều trường tư thục phản ánh là các khu đô thị mới đều có quy hoạch quỹ đất cho giáo dục. Thế nhưng muốn tiếp cận các quỹ đất này để xây trường học thì thường phải trả cả trăm tỷ đồng chi phí hạ tầng cho nhà đầu tư khu đô thị. Đây chính là rào cản khiến nhiều khu đô thị mới mở nhưng không có trường học, tạo thêm sức ép lên hạ tầng giáo dục cũ ở khu vực vốn đã quá tải.
Điều 97 của Luật Giáo dục đã quy định rõ việc ưu tiên đầu tư tài chính và đất đai cho việc xây dựng trường học. Điều 103 của Luật Giáo dục quy định rằng trường dân lập và trường tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng.
Như thế, đã có cơ sở pháp lý của việc giao đất và cho thuê đất, hỗ trợ ngân sách cho nhà đầu tư xây dựng trường học. Vấn đề là các địa phương cần phải thấy việc tạo quỹ đất, ưu tiên quỹ đất cho giáo dục là yêu cầu cấp thiết, từ đó phải rà soát lại quỹ đất, tìm những địa điểm thích hợp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trường học. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới cần có quy định khu đô thị dứt khoát phải có trường học, để từ đó nhà đầu tư khu đô thị phải tìm nhà đầu tư xây dựng trường học, không để trống quỹ đất đã được quy hoạch làm trường học.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho tương lai. Vì thế, không thể chấp nhận vì hạn chế về hạ tầng mà học sinh phổ thông không có cơ hội học tập.
HỒ QUANG PHƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/quy-dat-cho-truong-ngoai-cong-lap-748150