Quỹ Đầu tư phát triển Hải Dương hạn hẹp
Gần 15 năm hoạt động, Quỹ Đầu tư phát triển (ĐTPT) Hải Dương chưa phát huy được hiệu quả cần có.
Vai trò đóng góp “vốn mồi” thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa vào các công trình cơ sở hạ tầng của địa phương còn hạn chế...
Công ty CP Đầu tư và phát triển Thanh Miện sẽ thực hiện đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Thanh Miện trong tháng 9.2020. Quy mô dự án đạt tiêu chuẩn hạng I, mỗi năm đào tạo khoảng 8.000 lái xe tất cả các hạng đối với ô tô, xe máy. "Tổng đầu tư dự án này theo chấp thuận đầu tư là 65,5 tỷ đồng, chủ đầu tư chúng tôi mong được vay Quỹ ĐTPT Hải Dương khoảng 25 tỷ đồng nhưng thực tế lại gặp khó khăn", ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Thanh Miện cho biết.
Theo Quỹ ĐTPT Hải Dương, từ đầu năm đến nay đơn vị mới giải ngân theo hợp đồng tín dụng đã ký 500 triệu đồng, đồng thời chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các đơn vị vay vốn hơn 13,47 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dư nợ đầu tư cho vay đầu tháng 7.2020 đạt gần 91,5 tỷ đồng, chiếm 68% vốn điều lệ (gần 135 tỷ đồng). Số dư nợ này đã thu hút được hơn 350 tỷ đồng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để đầu tư vào các dự án vay. Hầu hết các dự án này đang hoạt động hiệu quả như: Dự án BOT cải tạo, nâng cấp bến phà Giải và đường dẫn hai đầu bến phà - đường huyện 390C, huyện Thanh Hà và huyện Kim Thành. Trường THPT Lê Quý Đôn (Thanh Miện) vay Quỹ 15 tỷ đồng trong tổng giá trị đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, hiện có 850 học sinh THPT và 200 cháu mầm non. Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tư thục Kim Thành có tổng đầu tư hơn 45 tỷ đồng, trong đó vay Quỹ ĐTPT Hải Dương 16 tỷ đồng, hiện mỗi năm đào tạo khoảng 6.000 lái xe ô tô. "Từ cuối năm 2017, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tư thục Kim Thành chuyển hướng sang đào tạo, sát hạch lái xe. Được Quỹ cho vay kịp thời đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn ban đầu. Hiện Trung tâm đã bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở hạng II, với hơn 200 xe ô tô dạy lái các loại", ông Phạm Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, Giám đốc Quỹ ĐTPT Hải Dương: "Nguồn vốn của Quỹ hiện rất hạn hẹp, chỉ còn khoảng 43 tỷ đồng và vẫn chuẩn bị tiếp tục giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký". Ông Hoàng cho biết thêm, ngoài dự án Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Thanh Miện nêu trên, nguồn vốn này đang được nhiều dự án mới tiếp cận vay vốn như Khu chợ, dịch vụ thương mại xã Lai Vu (Kim Thành); Nhà máy chế biến thực phẩm và sơ chế hàng nông sản Long Phát QLC, Trường mầm non Fairy Hoa Lê giai đoạn 2 và Nhà máy nước sạch An Phụ (thị xã Kinh Môn); Nhà máy xử lý rác thải làng nghề Toàn Cầu (Gia Lộc)...
Năm 2014, Quỹ ĐTPT Hải Dương được hoạt động độc lập trực thuộc UBND tỉnh với khoảng 100 tỷ đồng vốn cấp từ ngân sách nhà nước. Trong gần 6 năm nguồn vốn của Quỹ được bổ sung gần 35,56 tỷ đồng sinh lời từ các hoạt động nghiệp vụ. Bên cạnh đầu tư vốn trực tiếp Quỹ còn thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao như quản lý vốn Nhà nước tại Công ty CP Xi măng Phúc Sơn; quản lý, thu hồi vốn một số dự án ODA như Dự án Năng lượng nông thôn 2 (Re-II), Dự án Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn Đồng bằng Sông Hồng... với tổng dư nợ hơn 140 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Quỹ ĐTPT Hải Dương hiện cũng gặp không ít vướng mắc, khó khăn về đầu tư trực tiếp, huy động vốn... Chủ yếu là do các cơ chế liên quan đến hoạt động của Quỹ ĐTPT địa phương chưa rõ ràng. Mô hình hoạt động của Quỹ vẫn pha trộn giữa 2 mô hình ngân hàng chính sách xã hội và công ty TNHH một thành viên...
Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ ĐTPT địa phương thay thế các Nghị định hiện hành. Theo đó, phạm vi hoạt động của Quỹ được mở rộng, gồm huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định; cho vay các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; ủy thác cho vay đầu tư, thu hồi nợ, nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư, thu hồi nợ, các quỹ tài chính nhà nước tại địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo ủy quyền của UBND cấp tỉnh. Nguồn cấp vốn điều lệ cho Quỹ đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương tối thiểu là 300 tỷ đồng... Việc sửa đổi, bổ sung và sớm ban hành Nghị định trên là yêu cầu cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với Quỹ ĐTPT nói chung và Quỹ ĐTPT Hải Dương nói riêng.
"Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Quỹ ĐTPT Hải Dương sẽ đẩy mạnh đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Ngoài việc tiếp tục phục vụ mục tiêu, kế hoạch phát triển của tỉnh, Quỹ đang đề nghị được chủ động thực hiện việc đầu tư trực tiếp theo cơ chế thị trường, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư, có biện pháp huy động thêm các nguồn vốn để phục vụ mục tiêu đầu tư", ông Hoàng khẳng định.