Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới: Cơ sở quan trọng đánh giá năng lực, uy tín cán bộ

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định 144) là cơ sở quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đặc biệt là trong bối cảnh Đảng ta đang quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái tư tưởng, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa', phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải chúc mừng các đồng chí Bí thư chi bộ ấp ở xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TPHCM) nhận nhiệm vụ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải chúc mừng các đồng chí Bí thư chi bộ ấp ở xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TPHCM) nhận nhiệm vụ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quy định nghiêm khắc

Phân tích Quy định 144, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nhận xét, nội dung quy định ngắn gọn, có nhiều điểm mới. Đánh giá thêm về quy định, ông Nguyễn Đức Luận, Phó Vụ trưởng Vụ lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, Quy định 144 chứa đựng nhiều nội hàm, tiêu chí mới, thể hiện toàn diện phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Đánh giá Quy định 144 là rất nghiêm khắc, theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, thời gian tới, công tác chấn chỉnh và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới sẽ có nhiều bước tiến mới. Đồng thời, có cơ sở vững chắc hơn để tiến hành “thanh lọc” những cán bộ, đảng viên không hội tụ đủ chuẩn mực đạo đức cách mạng, nhất là không đủ khả năng, uy tín.

Một trong những nội dung rất mới được bà Nguyễn Thị Việt Nga phân tích đó là “không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi”. Quy định 144 bổ sung quy định “người khác”, đây là một bổ sung mới và rất cần thiết, bao trùm đối tượng so với các quy định trước. Điều này phản ánh đúng thực tế vừa qua, một số cán bộ bị phát hiện vi phạm một phần do để “người khác” lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. Qua Quy định 144 cho thấy, trong bất cứ bối cảnh, hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên đều phải tu dưỡng, rèn luyện, nếu không thì sẽ rơi vào lạc hậu hoặc sẽ suy thoái. Ông Nguyễn Đức Luân nhấn mạnh, bên cạnh năng lực chuyên môn nghiệp vụ thì đòi hỏi cán bộ, đảng viên rất nhiều phẩm chất để đáp ứng thực hiện những mục tiêu trong giai đoạn mới.

Mở đường cho “văn hóa từ chức”

Thực tế thời gian qua, những trường hợp cán bộ lãnh đạo xin thôi giữ chức vụ có nhiều lý do. Cụ thể, cán bộ vi phạm những điều đảng viên không được làm, chịu trách nhiệm người đứng đầu; năng lực, uy tín giảm sút... Trước đây, trong các Đảng văn chưa có quy định “văn hóa từ chức”, nhưng đến Quy định 144 đã có quy định rõ về “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”. Như vậy, cùng với Quy định 41 của Bộ Chính trị về “việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”, Quy định 144 tiếp tục mở đường cho “văn hóa từ chức” trong Đảng và hệ thống chính trị.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Quy định 144 là Đảng văn đầu tiên chính thức nêu rõ “thực hiện văn hóa từ chức”. Đây là cơ sở vững chắc để xem xét những cán bộ, đảng viên không đủ tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng. Đồng tình ý kiến này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, Quy định 144 mở đường cho “văn hóa từ chức”, mang tính nhân văn để cán bộ, đảng viên tự giác rút lui. Thực tế thời gian qua, việc cán bộ, đảng viên xin thôi giữ chức vụ phần lớn do “sức ép” từ các quy định của Đảng, của pháp luật, từ sức ép của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Vì vậy, ông Lê Thanh Vân nhận xét, Quy định 144 sẽ nêu cao tính tự giác của cán bộ, đảng viên: khi thấy bản thân không còn đủ năng lực, không còn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân, giảm sút uy tín trong tổ chức, cơ quan, đơn vị thì chủ động từ chức, xin thôi làm nhiệm vụ.

Để thực hiện Quy định 144 có hiệu quả, nhiều chuyên gia xây dựng Đảng nhận định, cấp ủy các cấp cần phải có những giải pháp tác động đến nhận thức của những người “không đủ khả năng, uy tín” nên tự giác rút lui, nhường đường cho người tài năng hơn. “Điều này góp phần tạo cơ hội nhiều hơn cho những cán bộ có năng lực, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, không còn tình trạng giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ năng lực yếu kém nhưng có mối quan hệ thân hữu, cánh hẩu, phe phái, lợi ích nhóm... Tôi cũng tin tưởng rằng, với việc thực hiện Quy định 144, đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ có thêm động lực phấn đấu, cống hiến và phát triển”, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, kỳ vọng.

Đưa vào sinh hoạt chi bộ

Bà Hoàng Thị Lợi, cán bộ hưu trí quận 1, TPHCM, cho rằng, để Quy định 144 đi vào thực tiễn cuộc sống, trước hết cán bộ, đảng viên nói chung, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp, phải gương mẫu đi đầu, nghiêm túc thực hiện các chuẩn mực đạo đức. Cấp ủy chi bộ phải xây dựng kế hoạch để đưa nội dung này vào các kỳ sinh hoạt chi bộ và có chương trình triển khai thực hiện. Đồng thời, đưa các chuẩn mực này vào trong kế hoạch học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

VĂN MINH - THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quy-dinh-144-qdtw-ve-chuan-muc-dao-duc-cach-mang-cua-can-bo-dang-vien-giai-doan-moi-co-so-quan-trong-danh-gia-nang-luc-uy-tin-can-bo-post741876.html