Quy định cấp, đổi giấy phép lái xe theo luật mới

Bằng lái xe đã được cấp, còn hạn sử dụng thì vẫn được dùng như bình thường, nhưng nếu cấp đổi thì người dân sẽ phải thực hiện theo quy định mới, theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội thảo luận.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 có nhiều nội dung mới. Trong đó, Chính phủ đề xuất phân hạng lại giấy phép lái xe (GPLX).

Theo đó, luật hiện hành quy định GPLX máy gồm các hạng: A1, A2 và A3. Trong đó, A1 cấp cho người lái xe 50-175 cc; A2 từ 175 cc; A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho GPLX hạng A1 và các xe tương tự.

Tuy nhiên, dự luật trên đổi tên gọi GPLX máy thành ba hạng là: A1, A và B1. Theo đó, dự luật chỉ giữ lại tên gọi của hạng A1, không còn hạng A2, A3, thay vào đó là hạng A và B1.

Bộ Công an đề xuất, GPLX máy còn thời hạn vẫn sử dụng bình thường. Trường hợp người dân muốn đổi, cấp lại GPLX thì thực hiện như sau:

1. GPLX hạng A1 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng A với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh đến 175 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 14kW.

2. GPLX hạng A2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng A.

3. GPLX hạng A3 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B1.

Còn với hạng A4 quy định hiện hành đang cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg, tuy nhiên dự luật bỏ hạng này. Nên khi đổi hạng A4, cơ quan chức năng sẽ cấp lại sang chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng.

 Bộ Công an quy định về cấp, đổi giấy phép lái xe. Ảnh: T.PHAN

Bộ Công an quy định về cấp, đổi giấy phép lái xe. Ảnh: T.PHAN

Với GPLX ô tô, dự luật đổi tên và sắp xếp lại hầu hết các hạng bằng lái, trong đó đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B, đồng thời chia thêm GPLX hạng C1, D1.

Theo đó, người có bằng lái ô tô mà GPLX còn thời hạn vẫn sử dụng bình thường, trường hợp muốn đổi, cấp lại sẽ thực hiện như sau:

1. GPLX hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động;

2. GPLX hạng B1, B2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

3. GPLX hạng C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;

4. GPLX hạng D được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng D2 và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;

5. GPLX hạng E được đổi, cấp lại sang GPLX hạng D và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;

6. GPLX hạng FB2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng C1E và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

7. GPLX hạng FC được đổi, cấp lại sang GPLX hạng CE và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;

8. GPLX hạng FD được đổi, cấp lại sang GPLX hạng D2E và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;

9. GPLX hạng FE được đổi, cấp lại sang GPLX hạng DE và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên.

Người học lái xe đã được đào tạo lái xe trước ngày dự luật có hiệu lực thi hành hoặc đang được đào tạo lái xe tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành chưa được sát hạch, cấp GPLX thì được sát hạch, cấp GPLX theo hạng quy định của dự luật.

Dự luật cũng quy định khuyến khích đổi GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1 tháng 7 năm 2012 sang GPLX mới.

Thời hạn GPLX máy được quy định “không thời hạn”, với xe ô tô quy định thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quy-dinh-cap-doi-giay-phep-lai-xe-theo-luat-moi-post792331.html