Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 12/2025/TT-BNV quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.
Thông tư 12/2025/TT-BNV quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hằng tháng; giải quyết chế độ ốm đau; điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau; hưởng chế độ thai sản; điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; việc xác định thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng.
Về trường hợp được hưởng chế độ ốm đau, Thông tư nêu rõ, các trường hợp được xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau bao gồm: Các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con theo quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật Bảo hiểm xã hội; cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng không nghỉ việc theo quy định tại khoản 6 Điều 53 của Luật Bảo hiểm xã hội; lao động nữ nhờ mang thai hộ, người chồng của lao động nữ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng không nghỉ việc theo quy định tại Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội; người lao động trong thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại khoản Điều 37 của Luật Bảo hiểm xã hội thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Về thời gian hưởng chế độ ốm đau, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong năm 2025 theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Bảo hiểm xã hội không bao gồm thời gian đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày trước ngày 1/7/2025.
Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Bảo hiểm xã hội không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

Ảnh minh họa.
Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được căn cứ vào nghề, công việc hoặc nơi làm việc của người lao động tại thời điểm người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau.
Trường hợp người lao động nghỉ việc thuộc các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật Bảo hiểm xã hội mà có thời gian nghỉ việc trùng với thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về lao động hoặc nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác hoặc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì thời gian trùng không được tính để hưởng chế độ ốm đau; thời gian nghỉ việc không trùng với thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về lao động hoặc nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác hoặc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được tính hưởng chế độ ốm đau theo quy định.
Trường hợp người lao động có thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của năm nào tính vào thời gian hưởng chế độ ốm đau của năm đó.
Về xác định thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau, Thông tư nêu rõ, việc tính, xác định thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau trong các trường hợp cụ thể như sau:
Thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau tối đa trong một năm theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật Bảo hiểm xã hội không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
Việc xác định thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau trong một năm cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật Bảo hiểm xã hội đối với trường hợp con dưới 3 tuổi, dưới 7 tuổi được tính đến trước ngày sinh nhật của năm con đủ 3 tuổi, đủ 7 tuổi và căn cứ vào thời điểm bắt đầu nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau.
Trường hợp trong cùng một thời gian người lao động có từ 2 con trở lên dưới 7 tuổi bị ốm đau thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế người lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau; thời gian tối đa người lao động nghỉ việc trong một năm cho mỗi con được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà luân phiên nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì thời gian tối đa hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau; thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật Bảo hiểm xã hội.