Quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa ký ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại Hậu Giang. (Ảnh: quochoi.vn)
Nghị quyết liên tịch số 72/2025/NQLT/UBTVQH15-CP- ĐCTUBTWMTTQVN quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; giải quyết, trả lời và giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Nghị quyết quy định các nguyên tắc tiếp xúc cử tri bao gồm: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiếp xúc cử tri. Bảo đảm dân chủ, bình đẳng, khách quan, công khai minh bạch, hiệu quả; phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, của cử tri và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở Trung ương, địa phương. Việc tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, ghi nhận, giải trình, trả lời kiến nghị của cử tri phải bảo đảm ngắn gọn, trung thực, chính xác, khách quan, kịp thời. Không lợi dụng hoạt động tiếp xúc cử tri để tuyên truyền trái chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Không lợi dụng hoạt động tiếp xúc cử tri để vận động tài trợ, quyên góp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân mình hoặc tác động, gây ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, cá nhân để trục lợi. Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương…
Nghị quyết cũng nêu rõ, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chủ động, tích cực trong tiếp xúc cử tri; gợi mở, khuyến khích cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị về những vấn đề mà cử tri quan tâm; chuẩn bị nội dung, tài liệu cho việc tiếp xúc cử tri; nghiên cứu kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; thông tin đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kịp thời giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có quyền từ chối tiếp xúc cử tri nếu không bảo đảm an ninh, an toàn cho đại biểu hoặc không bảo đảm các nguyên tắc theo quy định.
Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có quyền và trách nhiệm tiếp xúc cử tri nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đại biểu Quốc hội ứng cử, ngoài đơn vị bầu cử của đại biểu HĐND.
Đại biểu Quốc hội tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội; thực hiện sự phân công của Đoàn đại biểu Quốc hội về việc tiếp xúc cử tri.
Đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm thực hiện việc tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của Tổ đại biểu HĐND cùng cấp. Đại biểu HĐND cấp xã tiếp xúc cử tri theo sự phân công của Thường trực HĐND cấp xã.
Đại biểu HĐND có quyền đề nghị Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Thường trực HĐND cấp xã tổ chức tiếp xúc cử tri ngoài chương trình, kế hoạch của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Thường trực HĐND cấp xã.
Về trách nhiệm giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Nghị quyết quy định: Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri về các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban hoặc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri về các vấn đề liên quan đến chương trình kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nội dung, chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (20/2/2025); thay thế Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 -ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Nghị quyết số 753/2005/UBTVQH11 ban hành Quy chế hoạt động của HĐND.