Quy định của Đại học Sư phạm Hà Nội không tuyển thí sinh nói ngọng, nói lắp gây tranh cãi

Quy định này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của mọi người, nhất là nhóm đối tượng đang có ý định dự thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa công bố đề án tuyển sinh năm 2021. Năm 2021, trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển sinh trong cả nước với thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT đạt loại khá trở lên.

Năm nay, dự kiến Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển 7.094 chỉ tiêu, tăng gần gấp đôi so với năm 2020.

Đại học Sư phạm Hà Nội

Đại học Sư phạm Hà Nội

Trường tuyển sinh theo 4 phương thức:

Phương thức 1 xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, trường yêu cầu thí sinh tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm tất cả học kỳ bậc THPT phải đạt loại khá trở lên.

Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu dựa theo tổng điểm thi 3 môn (bao gồm môn thi chính nhân hệ số 2 (nếu có) của tổ hợp đăng ký xét tuyển và điểm ưu tiên (nếu có)). Nếu xét tuyển theo phương thức 2 hoặc phương thức 3 còn thừa chỉ tiêu thì sẽ chuyển chỉ tiêu sang phương thức 1 hoặc phương thức 4 tùy theo ngành đào tạo.

Ngưỡng đầu vào của các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Với các ngành ngoài Sư phạm, ngưỡng đầu vào được tính theo tổng điểm xét tuyển theo tổ hợp đạt từ 15 điểm trở lên (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực nếu có).

Phương thức 2 xét tuyển các đối tượng đáp ứng điều kiện do Đại học Sư phạm Hà Nội đề ra. Nhà trường yêu cầu thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2021, có hạnh kiểm tất cả học kỳ đạt loại tốt, học lực giỏi cả 3 năm bậc THPT và phải thỏa mãn một trong các điều kiện sau:

Thứ nhất, thí sinh là học sinh đội tuyển cấp tỉnh/thành phố hoặc đội tuyển của trường THPT chuyên trực thuộc các trường đại học được tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Thứ hai, thí sinh là học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố ở bậc THPT.

Thứ ba, thí sinh là học sinh trường THPT chuyên hoặc các trường THPT trực thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP.HCM.

Thứ tư, thí sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC, chứng chỉ tiếng Pháp DELF hoặc TCF, chứng chỉ Tin học quốc tế MOS. Chứng chỉ phải có thời hạn 2 năm tính đến ngày công bố kết quả xét tuyển thẳng của trường.

Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ xét tuyển lần lượt theo thứ tự ưu tiên bắt đầu từ đối tượng thứ nhất, nếu còn chỉ tiêu sẽ xét tiếp lần lượt đến các đối tượng thứ hai, thứ ba, thứ tư, cho đến hết chỉ tiêu.

Đối với thí sinh thuộc đối tượng thứ hai, thứ ba, thứ tư, trường sẽ xét theo tổng điểm trung bình chung cả năm lớp 10, 11, 12 của môn học hoặc tổ hợp môn học ở bậc THPT theo quy định của mỗi ngành và sẽ cộng điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực (nếu có).

Phương thức 3 xét học bạ THPT. Đối với các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên, thí sinh cần đáp ứng điều kiện là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 có hạnh kiểm tất cả học kỳ ở bậc THPT đạt loại tốt và 3 năm học lực giỏi.

Riêng ngành Sư phạm Tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp, điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi; thí sinh xét tuyển ngành Sư phạm Công nghệ cần đạt điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi.

Đối với các ngành ngoài Sư phạm, thí sinh phải là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 có hạnh kiểm tất cả học kỳ và học lực 3 năm ở bậc THPT đạt từ khá trở lên.

Trường sẽ xét theo tổng điểm trung bình chung cả năm lớp 10, 11, 12 của môn học hoặc tổ hợp các môn học theo quy định của mỗi ngành (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực nếu có).

Phương thức 4 xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với kết quả thi năng khiếu tại Đại học Sư phạm Hà Nội đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Giáo dục Mầm non và Giáo dục Mầm non - Sư phạm Tiếng Anh.

Với phương thức này, điều kiện đăng ký xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm tất cả học kỳ ở bậc THPT đạt loại khá trở lên.

Ngoài ra, Đại học Sư phạm Hà Nội xét tuyển thẳng các thí sinh thuộc đối tượng được theo quy định tại khoản 2, điều 7 của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường cũng ưu tiên cộng điểm hoặc xét tuyển thẳng nếu thí sinh có bài luận đạt kết quả tốt.

Đặc biệt, để trúng tuyển vào trường, thí sinh không nói ngọng, nói lắp và có hạnh kiểm bậc THPT đạt loại khá trở lên.

Những quy định này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của mọi người, nhất là nhóm đối tượng đang có ý định dự thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay.

Mặc dù thông tin trường không tuyển thí sinh nói ngọng, nói lắp vẫn còn những tranh cãi nhưng phần đa đều tỏ ý đồng tình vì cho rằng ngành sư phạm đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục các thế hệ tương lai. Nếu người dạy không phát âm chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến học sinh.

Thậm chí, nhiều người còn cho rằng lẽ ra quy định này nên được áp dụng từ lâu vì việc phát âm của giáo viên ảnh hưởng khá nhiều đến các em học sinh, nhất là bậc mầm non và tiểu học.

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng với quy định này thì thí sinh ở một số địa phương có đặc điểm riêng về phát âm sẽ khó mà theo đuổi nghề giáo viên. Hoặc nếu muốn có lẽ sẽ phải mất khá nhiều thời gian để luyện kỹ năng, sửa phát âm.

Liên quan đến vấn đề gây tranh cãi này, PGS. TS Nguyễn Thị Phương Trang - giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết trên Lao Động: "Nói ngọng là khái niệm dùng để chỉ tật phát âm không rõ, không chính xác do bộ máy phát âm của người nói bị dị tật hay khiếm khuyết. Điều này khác với việc phát âm nhầm lẫn, nhịu giữa âm này và âm khác do ảnh hưởng của cách phát âm ở một số vùng phương ngữ, hoặc do thói quen phát âm từ nhỏ."

Đặc biệt, PGS.TS Trang khẳng định việc không phân biệt được L và N mà nhiều người hay mắc phải hiện nay không phải là nói ngọng mà là nói nhịu: "Người nói hoàn toàn có khả năng phát âm chính xác âm (L) âm (N) (vì bộ máy phát âm của họ không có vấn đề gì), song họ bị "nhịu" và lẫn giữa hai âm này. Vì thế, không nên đánh đồng hai hiện tượng". PGS.TS cũng giải thích rằng chỉ cần chúng ta kiên trì luyện tập thì tật nói nhịu này hoàn toàn có thể sửa được.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Đức Dân cũng cho rằng việc không tuyển sinh thí sinh có vấn đề về giọng nói ở Đại học Sư phạm là hợp lý. Tuy nhiên ông Dân nhấn mạnh, việc phát âm sai một vài từ theo vùng miền có thể cải thiện được nếu thí sinh đó có quyết tâm theo đuổi ngành giáo viên.

Phương Linh (Tổng hợp)

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sinh-vien-tv/dai-hoc-su-pham-ha-noi-khong-tuyen-thi-sinh-noi-ngong-noi-lap-202104180850158087.html