Quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại

Hiện nay hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định khá đầy đủ, rõ ràng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số quy định mà thương nhân phải chấp hành.

Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Trường Giang

Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Trường Giang

Theo chế định “công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm”, hiện nay các quy định về đầu tư, kinh doanh trong hệ thống pháp luật nước ta đã rất thông thoáng. Thay đổi phương pháp tiếp cận từ “chọn-cho” sang “chọn-bỏ”, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Những nguyên tắc này đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Việc chấp hành pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại là nguyên tắc quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, đồng thời là điều kiện tiên quyết để thương nhân cạnh tranh bình đẳng và hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, ngoài những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng một số quy định, hiện nay theo quy định của Luật Đầu tư, thương nhân được quyền kinh doanh không giới hạn tất cả các ngành nghề cũng như được quyền kinh doanh tất cả các loại hàng hóa (không phải hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu) mà không phải giới hạn như các quy định trước đây.

Theo đó, “hàng cấm” được hiểu là các loại hàng hóa mà pháp luật cấm kinh doanh, cấm lưu hành và cấm sử dụng như: pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng theo quy định của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật…

“Hàng giả” được hiểu là các loại hàng hóa có giá trị sử dụng hoặc công dụng không đúng với tên gọi và bản chất tự nhiên của hàng hóa; hàng hóa không có công dụng, không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký. Ngoài ra, các loại hàng hóa giả mạo tên của thương nhân khác hoặc giả mạo nhãn hiệu theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng bị coi là hàng giả.

“Hàng hóa nhập lậu” là các loại hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục cấm (hoặc tạm dừng nhập khẩu); các loại hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép; hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, theo quy định của pháp luật, hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn.

Các hành vi hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; sản xuất, buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là vi phạm pháp luật. Ảnh: Nguyễn Trường Giang

Việc kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là vi phạm pháp luật. Ảnh: Nguyễn Trường Giang

Bên cạnh đó, hiện nay trong hệ thống pháp luật của nước ta đã có Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thi hành. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, thương nhân phải chấp hành một số quy định cụ thể, như: Quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa. Theo đó nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa mà nhãn hàng hóa không ghi đủ hoặc ghi không đúng một trong các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa thì bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, theo quy định của luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, thì hàng hóa được chia thành 2 nhóm. Hàng hóa nhóm 1 là các loại hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn; trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích không gây hại cho người, động vật, thực vật và môi trường. Hàng hóa nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở do người sản xuất công bố áp dụng. Hàng hóa nhóm 2 là các loại hàng hóa có khả năng gây mất an toàn; trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng hóa vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng, quy định về hợp chuẩn, hợp quy thì bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, thương nhân phải chấp hành một số quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như: niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ. Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa. Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa. Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành. Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch. Các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; hợp đồng giao kết; điều kiện giao dịch chung; cung cấp dịch vụ liên tục; bán hàng tận cửa; bảo hành hàng hóa và thu hồi hàng hóa có khuyết tật sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Hiện nay, thương mại điện tử phát triển với tốc độ rất nhanh, việc kinh doanh, mua bán trên môi trường mạng đã ngày càng phổ biến. Để đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP, ngày 25-9-2021 sửa đổi bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về kinh doanh thương mại điện tử. Theo quy định mới, đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng. Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

NGUYỄN TRƯỜNG GIANG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8209/202211/huong-ung-ngay-phap-luat-viet-nam-9-11-quy-dinh-cua-phap-luat-trong-hoat-dong-kinh-doanh-thuong-mai-5795188/