Quy định của pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở còn dàn trải, chưa thống nhất
Ngày 24/02, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ 'Thực tiễn hoạt động và yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở' nhằm lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm: Bảo vệ dân phố (được thành lập từ năm 1995), Dân phòng (được thành lập từ nưm 1960); Công an xã bán chuyên trách (được thành lập sau Cách mạng tháng 8 năm 1945). Các lực lượng này đều là lực lượng quần chúng nhân dân tự nguyện, được tuyển chọn vào tổ chức tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở do UBND cấp xã thành lập, quản lý và duy trì hoạt động.
Tính đến tháng 12/2021, toàn quốc có trên 17.500 ban, tổ Bảo vệ dân phố với hơn 72.000 thành viên; trên 64.300 đội Dân phòng với hơn 636.300 đội viên; hơn 89.000 Công an xã bán chuyên trách. Đây là lực lượng đông đảo, gần dân, là “tai mắt”, “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an chính quy, hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng chông tội phạm, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã.
Về quy định của pháp luật, hiện nay, Bảo vệ dân phố hoạt động theo quy định của Nghị định 38. Dân phòng được quy định tại Luật phòng cháy, chữa cháy. Công an xã bán chuyên trách hoạt động theo Pháp lệnh Công an xã năm 2008 và Luật Công an nhân dân 2018. Tuy nhiên, đến nay các địa phương đã tổ chức Công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn trên toàn quốc. Lực lượng Công an viên bán chuyên trách ở thôn vẫn được chính quyền huy động tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Các quy định của pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở còn dàn trải, chưa thống nhất, chưa đầy đủ.
Các đại biểu tham dự hội thảo đề nghị Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, sớm trình Quốc hội ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Thực hiện : Khắc Phục Hồng Dũng