Quy định đánh thuế cao với người nhiều nhà đất có dễ triển khai?

Ngày 16/6 vừa qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, trong đó đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới nhằm đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai. Tại Nghị quyết, Ban chấp hành Trung ương đã đưa ra quy định đánh thuế cao đối với người có nhiều bất động sản, người đầu cơ, không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa.

Chính sách này được các chuyên gia nhận định mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của kinh tế. Tuy nhiên việc triển khai sắc thuế này rất phức tạp do đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình cụ thể.

Đây được coi là thời điểm thích hợp để triển khai sắc thuế này khi các mức thuế bất động sản ở Việt Nam còn thấp so với thế giới. Tổng thu thuế từ đất phi nông nghiệp tại Việt Nam đạt 0.034%GDP trong khi đó các nước trong khu vực như Indonesia đạt 0,42%, Thái Lan đạt 0,25% và Philippines đạt 0,84%.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi sẽ có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN QUỐC VIỆT - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Thưa ông ngoài những lợi ích rõ ràng từ việc tăng thu cho ngân sách, việc áp sắc thuế tài sản cho người cho nhiều bất động sản sẽ mang lại lợi ích gì cho kinh tế?

Ông NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN: “Tôi cho rằng đây là một chính sách phù hợp để làm sao chúng ta đảm bảo rằng nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nguồn lực đầu tư của tư nhân, doanh nghiệp không bị méo mó, dòng vốn đầu tư của xã hội bị dồn nén vào lĩnh vực không tạo ra công ăn việc làm, không tạo ra các năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, góp phần tránh tình trạng hoang hóa, bỏ không đất nông nghiệp, nếu như đất quy hoạch được sử dụng đúng mục đích thì mới tạo ra được giá trị gia tăng.”

Theo ông việc triển khai sắc thuế này cần phải lưu ý những điểm gì?

Ông NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN:“ Không phải chúng ta không có thuế về đất. Chúng ta phải hài hòa giữa các sắc thuế, tùy theo từng tình huống và loại đất. Ví dụ như ở Châu Âu đất để không thì khác và đất phục vụ cho mục đích làm vườn thì giá trị thuế, phí trên đất đấy đã khác so với đất xây nhà ở. Cái thứ 2 nếu gánh nặng về thuế và phí quá lớn nó lại tạo một cái sức ép, người sở hữu đất không thực sự bỏ tiền ra mà người ta lại dồn phí và thuế đấy cho người mua cuối hoặc người sử dụng dịch vụ từ đất như người thuê đất, người thuê nhà. Ý tôi muốn nói là bước tiếp theo để cụ thể hóa Nghị quyết 18 chúng ta cần phải có những khảo sát kỹ lưỡng, lắng nghe phản biện ở nhiều bên liên quan, từ người dân, doanh nghiệp bất động sản cho đến những nhà làm chính sách. Quá trình đó phải công khai minh bạch, có sự tham gia của các bên có sự phản biện của xã hội.”

Thực hiện : Như Hiền Minh Chiến

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quy-dinh-danh-thue-cao-voi-nguoi-nhieu-nha-dat-co-de-trien-khai