QUY ĐỊNH GIẢM GIỚI HẠN CẤP TÍN DỤNG: TÌM ĐIỂM CÂN BẰNG GIỮA BẢO ĐẢM NHU CẦU VỐN CỦA NỀN KINH TẾ VÀ PHÒNG NGỪA RỦI RO

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng điều chỉnh giảm khá lớn nhằm để hạn chế rủi ro tập trung tín dụng và hạn chế sở hữu chéo. Các đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ tác động của đề xuất việc giảm tỷ lệ này nhất là trong bối cảnh nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế là rất lớn.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tương tự giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo tổng kết thi hành Luật Các tổ chức tín dụng có nêu lý do giảm giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng nhằm giảm mức độ tập trung rủi ro tín dụng và hạn chế sở hữu chéo.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ ngày 05/06 về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cũng dành sự quan tâm đến nội dung này. Một số ý kiến cho rằng, quy định điều chỉnh giảm giới hạn cấp tín dụng trên một khách hàng không giải quyết được tận gốc vấn đề sở hữu chéo. Do đó, đề nghị cần đánh giá kỹ việc giảm tỷ lệ này. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để hạn chế sở hữu chéo giữa những người có liên quan.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc giảm giới hạn cấp tín dụng; đề nghị làm rõ nguyên nhân quy định giảm giới hạn cấp tín dụng. Một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng như tại dự thảo Luật sẽ ảnh hưởng đến cung ứng vốn cho nền kinh tế, có tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, việc dự thảo Luật mở rộng quy định người có liên quan và giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ gây tác động lớn, tác động kép đến cả về khách hàng và đối với ngân hàng.

Có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc thời điểm áp dụng quy định giới hạn cấp tín dụng do đang quy định chặt hơn một số nước trong khu vực Châu Á (cụ thể như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia thì đều quy định tỷ lệ tối đa là 25 % cho một khách hàng và trong nhóm khách hàng) trong bối cảnh kinh tế khó khăn và khả năng hấp thụ vốn suy yếu, thì việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP hằng năm và cho cả giai đoạn 05 năm.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở đề xuất các tỷ lệ, phải có đánh giá tác động liên quan đến điều chỉnh giảm giới hạn cấp tín dụng và đánh giá thêm thực trạng của việc cấp tín dụng hiện nay trước khi quy định tỷ lệ điều chỉnh; phân tích, làm rõ thêm các rủi ro khi thực hiện ở mức từ 15-20% và đang đề nghị điều chỉnh từ 10 – 15%.

Một số ý kiến đồng ý với việc sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị cần phải có điều khoản chuyển tiếp và lộ trình đối với những ngân hàng đã cho vay vượt mức, thì được tiếp tục đến hết thời hạn cho vay nhằm bảo đảm sự ổn định hoạt động kinh tế - xã hội, tạo niềm tin nhà đầu tư và bảo đảm tính khả thi của quy định.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng nêu rõ, quy định về giới hạn cấp tín dụng để hạn chế tình trạng rủi ro từ tập trung tín dụng đã gây ra những hệ lụy không tốt đến thị trường tài chính trong nước thời gian vừa qua. Dự thảo Luật quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng so với luật hiện hành của một khách hàng và người có liên quan.

Đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng

Theo đại biểu Trần Chí Cường, cùng với việc thu hẹp khá lớn về room tín dụng được cấp cho khách hàng, dự thảo Luật còn mở rộng định nghĩa phạm vi, đối tượng về người có liên quan, đó là công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng, mở rộng người có liên quan hệ huyết thống. Điều này dẫn đến tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ thấp hơn trước rất nhiều. Ngân hàng có thể cũng sẽ bị thu hẹp lượng khách hàng và khách hàng cũng sẽ bị thu hẹp về nguồn vốn được tiếp cận. Như vậy, có thể gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng.

Đại biểu nhấn mạnh, vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn và tức thời, đó là nguồn cung vốn cung ứng cho nền kinh tế bị hạn chế hơn, trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, kinh tế giảm sút, lãi suất tăng cao, tín dụng tăng trưởng thấp, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vào nền kinh tế yếu, kênh huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề nên gần như không đảm bảo vai trò huy động vốn cho phát triển.

Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng việc giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng cần có sự đánh giá thật kỹ các tác động hiện nay, cần phân tích và đánh giá rõ hơn về thực trạng vay vốn và rủi ro trong thực tại để có giải pháp phù hợp, căn cơ nhất. Quy định mới nhưng không làm tác động quá lớn đến dòng vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận, tạo điều kiện để đảm bảo dòng vốn thông suốt, phục vụ tốt nhất cho hoạt động sản, xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không làm mất khả năng cạnh tranh môi trường đầu tư của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị cần có lộ trình thực hiện phù hợp để đảm bảo không gây đứt gãy đột ngột nguồn vốn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng. Bởi giải pháp cho vay hợp vốn giữa các tổ chức tín dụng hay trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng cao hơn như dự thảo nêu đều cần có thời gian nhất định để thực hiện, trong khi hoạt động kinh doanh hằng ngày của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng đang được các tổ chức tín dụng cấp. Trên thực tế hiện nay, khi chưa thực hiện điều chỉnh giảm thì đã có doanh nghiệp gần như chạm trần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng tại tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước.

Có cùng quan điểm với các đại biểu, đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh tác động của việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp do cung ứng vốn cho nền kinh tế thì vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống các ngân hàng thương mại. Chỉ tiêu nợ, dư nợ tín dụng của ngân hàng trên GDP của nước ta hiện nay ở mức rất cao, là 125% GDP và cao hơn mức trung bình của thế giới. Trong khi đó hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thậm chí có những trường hợp vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị Ban soạn thảo phải đánh giá kỹ tác động của đề xuất việc giảm tỷ lệ này, đồng thời bên cạnh đó cần có quy định chuyển tiếp đối với những trường hợp giới hạn cấp tín dụng vượt quá quy định khi luật được thi hành.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Có chung kiến nghị, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội nêu rõ cần làm rõ hơn tác động đối với các doanh nghiệp và đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty của doanh nghiệp nhà nước đang được giao thực hiện các dự án trọng yếu, quan trọng của nền kinh tế có sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng như dự án điện, dầu khí.

Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với hoạt động ngân hàng của Việt Nam thì nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo rằng nếu như nhu cầu đầu tư tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thì cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro. Bất cứ khi nào kinh tế thế giới, trong nước có những biến động phức tạp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân thì sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng. Khi ngân hàng ảnh hưởng sẽ là hiệu ứng domino ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chính vì vậy, đồng bộ với việc phát triển ngành ngân hàng thì các thị trường như thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cần phải được phát triển đồng bộ. Hiện nay Chính phủ đang có các giải pháp để hướng đến điều đó.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, nếu để quy định như hiện hành, với nhu cầu vốn ngày càng tăng cao, vốn điều lệ ngày càng tăng cao thì có thể cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro. Do đó, dự thảo Luật quy định giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đồng thời có cơ chế để các tổ chức tín dụng đồng tài trợ với nhau. Bởi vì, nếu một ngân hàng cho vay một doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn thì mức độ tập trung rủi ro tín dụng cũng sẽ rất lớn. Việc đồng tài trợ sẽ là chia rủi ro đối với các ngân hàng. Khi doanh gặp vấn đề thì các ngân hàng cũng chia sẻ rủi ro. Trong trường hợp các ngân hàng không đồng tài trợ được thì vẫn có một cơ chế khác là Thủ tướng Chính phủ quyết định. Khi đó các cơ quan quản lý sẽ đánh giá xem nhu cầu của doanh nghiệp, của tập đoàn lớn để Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng cho hay, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để quy định phù hợp và đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77076