Quy định giờ làm việc đối với lao động cao tuổi
Theo Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động (NLĐ) cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu (60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ) hoặc có thể nghỉ hưu sớm hay muộn hơn so với độ tuổi quy định do suy giảm sức khỏe, làm việc trong môi trường độc hại, lao động có trình độ tay nghề...
Hòa giải viên lao động tỉnh Phạm Đình Đức (Sở LĐ-TBXH) cho hay, thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 1 giờ đối với NLĐ cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu. Do đó, nếu NLĐ cao tuổi ngày làm việc 8 giờ thì người sử dụng lao động phải trả tiền làm thêm ít nhất 1 giờ/ngày cho NLĐ cao tuổi.
* Trả tiền làm thêm giờ
Sau khi nghỉ hưu sớm (năm 53 tuổi), bà Q.T.H. (63 tuổi, ngụ xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) được Công ty C.S (H.Vĩnh Cửu) ký hợp đồng lao động có thời hạn 2 năm (từ ngày 27-12-2010 đến ngày 26-12-2012) với công việc hành chính, có mức lương 2,7 triệu đồng/tháng và các chính sách khác theo quy định.
Sau khi kết thúc hợp đồng lao động lần 1, Công ty C.S ký tiếp hợp đồng lao động lần 2 (hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 27-12-2012) với công việc chăm sóc sức khỏe (vì bà là y sĩ về hưu) với mức lương hơn 4,5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2010 đến ngày 15-10-2018 (thời điểm bà H. được công ty cho nghỉ việc theo thỏa thuận giữa đôi bên), bà H. vẫn làm việc 8 giờ/ngày nhưng chỉ được công ty giải quyết chi trả cho bà 1 phút/ngày tiền làm vượt giờ.
Hòa giải viên lao động tỉnh Phạm Đình Đức (Sở LĐ-TBXH) cho biết, căn cứ theo Điểm a, Khoản 2, Điều 240, Bộ luật Lao động năm 2012 thì nội dung rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian cho NLĐ cao tuổi không được ghi trong hợp đồng lao động mà NLĐ và người sử dụng lao động đã giao kết trước đó, thì phải được bổ sung theo quy định của pháp luật. Do đó, việc người sử dụng lao động không bổ sung nội dung này vào hợp đồng lao động là trái quy định pháp luật.
Hòa giải viên lao động tỉnh Phạm Đình Đức bày tỏ, theo Bộ luật Lao động năm 2012 và Nghị định 45/2013/ NĐ-CP ngày 10 -5-2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động thì bà H. phải được người sử dụng lao động trả tiền tăng ca ít nhất 1 giờ/ngày làm việc chứ không phải 1 phút/ngày làm việc.
“Bởi ngày 3-10-2012, bà H. đủ 55 tuổi. Do đó, bà H. được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian theo Khoản 2, Điều 166 (Bộ luật Lao động năm 2012) và thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 1 giờ đối với NLĐ cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu (khoản 10, Điều 3, Nghị định 45/2013/NĐ-CP)” - ông Đức phân tích.
Cũng theo hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức, ông từng tham gia bảo vệ quyền lợi thành công cho NLĐ cao tuổi H.T.B. (54 tuổi, xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) khi bà B. không được Công ty X. (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động đối với người cao tuổi về rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Lý do Công ty X. đưa ra là trong hợp đồng lao động mà hai bên giao kết không có điều khoản thỏa thuận rút ngắn thời giờ làm việc đối với NLĐ cao tuổi.
“Dù hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể không giao kết việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian đối với NLĐ cao tuổi nhưng luật đã quy định và nghị định hướng dẫn rõ thì phải thực hiện. Đồng thời, pháp luật quy định hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể nếu trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ” - ông Đức nhấn mạnh.
* Quyền lợi của NLĐ cao tuổi
Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với NLĐ cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật Lao động năm 2012. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, NLĐ cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thỏa thuận theo hợp đồng lao động.
Ngoài ra, pháp luật về lao động cũng quy định, không được sử dụng NLĐ cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe NLĐ cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của NLĐ cao tuổi tại nơi làm việc.
Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định rõ, việc sử dụng NLĐ cao tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau: NLĐ cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật. NLĐ cao tuổi có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Y tế ban hành đối với nghề, công việc. Sử dụng có tính thời điểm; không quá 5 năm đối với từng NLĐ. Phải khám sức khỏe định kỳ ít nhất 2 lần trong một năm. Có ít nhất 1 NLĐ không phải là NLĐ cao tuổi cùng làm việc.
Hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức lưu ý, theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đối với NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, BHTN thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền cho NLĐ tương đương với mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc, BHTN và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.