Quy định hàng hóa xuất, nhập khẩu tại chỗ có làm khó các doanh nghiệp gia công?

Pháp luật về quản lý ngoại thương không có quy định hàng hóa nhập khẩu để sản xuất phục vụ xuất khẩu là hàng gia công…

Doanh nghiệp được quyền lựa chọn nguồn hàng nhập khẩu để sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan vừa nhận được ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đối với Nghị định 18/2021/NĐ-CP đang gây khó cho doanh nghiệp gia công.

Theo lý giải của các doanh nghiệp, Nghị định 18 quy định đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra.

Doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ, sau đó xuất khẩu mới được hoàn tiền thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may không phải là bên tham gia xuất khẩu, nhập khẩu.

Trả lời cho phản ánh này, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu thì “hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ” thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Chỉ có “nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu” mới thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu.

Như vậy, sản phẩm sản xuất phục vụ xuất khẩu không được miễn thuế xuất khẩu và nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu đối với sản phẩm sản xuất xuất khẩu tại chỗ chính là các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, quy định về việc nộp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để sản xuất phục vụ xuất khẩu trong Nghị định 18 đã được Ban soạn thảo Nghị định xem xét trên cơ sở các quy định pháp lý có liên quan đến sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để gia công.

Theo đó, đối với loại hình gia công mà người nhận gia công là người làm thuê, nhận phí gia công theo 1 hợp đồng giữa bên thuê và bên nhận gia công thì không thu thuế nhập khẩu.

Thực tế nếu quy định thu thuế đối với sản phẩm gia công nhập khẩu tại chỗ thì doanh nghiệp nhận gia công cũng không có đủ nguồn tiền để trả đồng thời không phản ánh đúng bản chất của hoạt động gia công và không phù hợp với pháp luật về thương mại. Ở đây bên nộp thuế là bên thuê gia công.

Còn đối với hàng hóa nhập khẩu sản xuất phục vụ xuất khẩu thì pháp luật về quản lý ngoại thương không có quy định như hàng gia công. Như vậy, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất phục vụ xuất khẩu thuộc sở hữu của doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu. Doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu có quyền chủ động nguồn hàng để sản xuất kinh doanh.

Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài hoặc từ khu phi thuế quan thì được miễn thuế nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo quy định.

Trường hợp nhập khẩu tại chỗ từ doanh nghiệp nội địa thì phải nộp thuế nhập khẩu và được hoàn thuế khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc khu phi thuế quan theo quy định.

Tổng cục Hải quan giải thích, việc đưa quy định về chính sách thuế đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để sản xuất sản phẩm xuất khẩu vào Nghị định 18 là để nhằm xử lý các tình huống phát sinh trên thực tế, đảm bảo tính minh bạch.

Thêm vào đó, trong quá trình lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định 18 Ban soạn thảo không nhận được ý kiến tham gia của các bên liên quan về nội dung này nên phát sinh tình huống như kiến nghị của các doanh nghiệp dệt may là sau khi Nghị định đi vào thực hiện.

Như vậy, theo Nghị định 18 thì doanh nghiệp nội địa phải nộp thuế đối với sản phẩm sản xuất khi xuất khẩu tại chỗ cũng như đối với trường hợp xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu phải nộp thuế nhập khẩu. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài, từ khu phi thuế quan thì được miễn thuế nhập khẩu.

Doanh nghiệp được quyền lựa chọn nguồn hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu.

Lâm Phong -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quy-dinh-hang-hoa-xuat-nhap-khau-tai-cho-co-lam-kho-cac-doanh-nghiep-gia-cong.htm