Quy định hoạt động xe đưa rước học sinh sẽ khắt khe hơn
Bộ GT-VT đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Luật Đường bộ, trong đó đề xuất nhiều giải pháp trong việc quản lý xe đưa rước học sinh (ĐRHS) được dư luận quan tâm.
Theo đó, tại Điều 78, dự thảo Luật Đường bộ quy định ô tô đưa đón học sinh phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng để nhận diện. Quy định như trên sẽ góp phần đảm bảo chất lượng các xe ĐRHS; hạn chế, tiến đến chấm dứt tình trạng sử dụng xe quá cũ, xuống cấp gây mất an toàn giao thông khi ĐRHS.
Ngoài ra, dự thảo Luật Đường bộ cũng quy định khá cụ thể các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh tiểu học và mầm non khi đi xe ĐRHS.
Theo đó, đối với xe ô tô đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp lứa tuổi, kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài. Đồng thời, phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, giữ trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng xe có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý.
Các quy định nêu trên thực sự sẽ là giải pháp hữu hiệu cho những hạn chế, bất cập trong quản lý xe ĐRHS hiện nay. Chính vì hiện chưa có quy định cụ thể về các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi xe đưa rước nên nhiều trường học cũng còn lúng túng trong việc quản lý xe ĐRHS; mỗi nơi làm một kiểu; chưa có quy định rõ trách nhiệm khi tổ chức hoạt động đưa đón nên đa phần đều giao trách nhiệm quản lý cho tài xế xe ĐRHS và giáo viên là chưa đủ.
Dự thảo Luật Đường bộ đã quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh. Đây là quy định cần thiết để tăng cường kênh giám sát, quản lý hoạt động xe ĐRHS, đưa hoạt động này ngày càng đi vào nề nếp và an toàn hơn.
Hiện nay, nhu cầu đi học bằng xe ĐRHS khá lớn, đặc biệt tại các đô thị đông dân như TP.Biên Hòa (với hơn 1,2 triệu dân). Tuy nhiên, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các sự cố xe ĐRHS khiến một số học sinh thương vong. Gần nhất là vụ học sinh lớp 3, Trường tiểu học Hà Huy Giáp (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tử vong vào ngày 8-2 do bị xe ĐRHS tông trúng. Hoặc trước đó có 2 học sinh Trường tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn. H.Trảng Bom) bị rơi xuống quốc lộ 1 do cửa sau của xe ĐRHS bị bung khi đang chạy vào chiều 29-11-2019.
Sau các sự cố nêu trên, ngành chức năng đã chỉ ra một số bất cập trong công tác quản lý hoạt động xe ĐRHS như: ý thức tham gia giao thông chưa cao; còn chủ quan lơ là trong quản lý hoạt động xe ĐRHS; thiếu kiểm tra, giám sát, điều chỉnh bất cập kịp thời; còn thiếu các quy định về quản lý xe ĐRHS; bất cập về hạ tầng giao thông trước cổng trường… Do đó, hy vọng, dự thảo Luật Đường bộ sau khi được thông qua sẽ góp phần quan trọng trong việc quản lý hoạt động xe ĐRHS an toàn và hiệu quả hơn.