Quy định kê khai giá: can thiệp vào chuyện làm ăn của nhà xe?
Việc Dự thảo quy định cơ quan nhà nước xem xét các yếu tố hình thành giá, không cho phép DN điều chỉnh giá nếu không thấy hợp lý là một trong những hình thức can thiệp trực tiếp vào quyền tự định giá của DN và chưa phù hợp với Luật giá?
Kê khai giá theo cách nào?
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi đang thiết kế trình tự, thủ tục kê khai giá cước theo hướng: Ít nhất 05 ngày làm việc trước khi thực hiện theo giá cước kê khai, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã kinh doanh vận tải (gọi tắt là DN) phải gửi văn bản kê khai giá cước tới Sở Giao thông vận tải (GTVT) nơi DN có trụ sở chính hoặc chi nhánh hạch toán độc lập.
Sở GTVT tiếp nhận văn bản kê khai giá và xem xét văn bản có đầy đủ nội dung hay không. Nếu nội dung văn bản đầy đủ, Sở GTVT sẽ tiến hành rà soát văn bản kê khai giá và quyết định một trong các trường hợp. Trường hợp 1, Sở không yêu cầu DN giải trình về các nội dung trong văn bản kê khai. Trường hợp này, DN sẽ được thực hiện theo mức giá kê khai.
Trường hợp 2, Sở TVT yêu cầu DN giải trình về các nội dung tại văn bản kê khai chưa đáp ứng yêu cầu, lý do điều chỉnh giá cước chưa rõ ràng. Trường hợp này, DN phải giải trình theo quy trình tiếp nhận văn bản kê khai giá.
Trường hợp 3, Sở GTVT yêu cầu DN không được áp dụng mức giá đăng ký khi phần giải trình lý do điều chỉnh giá cước không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá cước. Trường hợp này, DN phải thực hiện lại nghĩa vụ đăng ký giá cước.
Theo quy trình trên thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét các yếu tố cấu thành giá cước, quyết định xem việc đăng ký giá cước, tăng hoặc giảm giá cước có hợp lý không và không cho phép DN thực hiện mức giá mà DN đề xuất nếu không thấy hợp lý.
Vừa can thiệp vào DN, vừa không phù hợp pháp luật?
Cộng đồng DN cho rằng, đây là biện pháp quản lý can thiệp trực tiếp vào quyền tự định giá của DN và chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về giá cũng như các văn bản khác có liên quan.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật giá thì “kê khai giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá”. Quy định này được hiểu, DN chỉ cần gửi thông báo về mức giá hàng hóa, dịch vụ (mà không cần phải kê khai các yếu tố cấu thành giá cước) khi định giá, điều chỉnh giá.
“Việc Dự thảo yêu cầu DN kê khai mức giá, trong đó phải kê khai chi tiết về các khoản mục chi phí cấu thành giá cước, giải trình lý do điều chỉnh giá cước tại Khoản 1 Điều 8 Dự thảo (tương tự như hoạt động “đăng ký giá”) là chưa phản ánh đúng bản chất của thủ tục “kê khai giá” theo quy định của Luật giá” – văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra.
Theo quy định trên thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ rà soát các nội dung tại văn bản kê khai giá về “các khoản mục chi phí cấu thành giá cước”, “lý do điều chỉnh giá cước”, “kiểm tra tính hợp lý của các yếu tố hình thành giá cước”(khoản 1 Điều 8 Dự thảo) và DN sẽ phải thực hiện giải trình, thực hiện đăng ký lại giá cước nếu các “lý do điều chỉnh giá cước, DN, hợp tác xã đưa ra các lý do không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá cước”(khoản 2 Điều 8 Dự thảo).
“Hoạt động này tương tự như hoạt động kiểm tra yếu tố hình thành giá quy định tại khoản 11 Điều 4 Luật Giá, Điều 13 Nghị định 177/2013/NĐ-CP Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Trong khi đó, dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi không thuộc nhóm dịch vụ thực hiện bình ổn giá; Nhà nước định giá – những loại dịch vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá trong một số trường hợp nhất định” – cộng đồng DN nhận định.
Hơn nữa, tại khoản 1 Điều 11 Luật giá quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có quyền “tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”. Dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, taxi không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Vì thế, các chuyên gia từ VCCI và cộng đồng DN cho rằng, việc Dự thảo quy định cơ quan nhà nước xem xét các yếu tố hình thành giá, không cho phép DN điều chỉnh giá nếu không thấy hợp lý là một trong những hình thức can thiệp trực tiếp vào quyền tự định giá của DN và chưa phù hợp với Luật giá.
“Trình tự, thủ tục kê khai giá đang được thiết kế tại Dự thảo chưa phản ánh đúng bản chất của hoạt động này theo quy định của pháp luật về giá. Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị ban soạn thảo sửa đổi thủ tục hành chính này theo hướng: DN gửi thông báo về mức giá khi định giá hoặc điều chỉnh giá và cơ quan nhà nước không xem xét các yếu tố hình thành giá của DN trong thủ tục này” – VCCI kiến nghị.